Chủ tịch Alibaba bị đề nghị án chung thân
Bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", với vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt đồng phạm nên bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Địa ốc Alibaba được đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với khung hình phạt là chung thân để răn đe.
Ngày 19/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo và rửa tiền tại Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bước sang phần luận lội và đề nghị mức án của đại diện VKS đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm.
Theo đó, đại diện VKS nhận định, bị cáo Nguyễn Thái Luyện có vai trò chủ mưu và là người chỉ đạo xuyên suốt, toàn bộ hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và chỉ đạo, chi phối đối với 22 pháp nhân trực thuộc (tương ứng với 22 đồng phạm của vụ án).
Quá trình điều tra và diễn biến thực tế 10 ngày xét xử vụ án, bị cáo Luyện đã thừa nhận là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động của công ty CP Địa ốc Alibaba và cũng là người chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện hoạt động thu gom mua đất nông nghiệp ở nhiều địa phương, sau đó chỉ đạo tự vẽ phân lô bán nền, duyệt sơ đồ lô, thửa đất và cũng quyết định giá cả các lô đất của các dự án. Sau đó, bị cáo chỉ đạo 22 đồng phạm tổ chức marketing, quảng cáo để lừa bán cho hàng ngàn người.
Cũng theo đại diện VKS, suốt quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận hành vi phân lô bán nền trái pháp luật. Bị cáo này cũng cho rằng, toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều có quy hoạch rõ ràng và việc phân lô bán nền thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Dù vậy, đại diện VKS nhận định, việc bị cáo Nguyễn Thái Luyện rao bán các dự án đất nông nghiệp chưa được cấp phép tách thửa dự án và chưa được chuyển đổi thành đất thổ cư, thể hiện trong nhiều hợp đồng bán cho khách hàng là trái pháp luật. Hành vi của bị cáo Luyện và các đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại. Do đó, VKS nêu quan điểm bị cáo Luyện đã vi phạm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất của khung hình phạt, là mức án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngoài bị cáo chủ mưu, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột bị cáo Luyện) mức án là 16-18 năm tù về cùng tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) và bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai của bị cáo Luyện) bị đề nghị mức án 30 năm tù về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị phạt từ 5-6 năm tù về tội Rửa tiền.
Các bị cáo đồng phạm khác trong vụ án bị đề nghị từ 12-13 năm và 20 năm cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm liên đới bồi thường cho hơn 4.500 bị hại với tổng số tiền hơn 2.400 tỷ đồng. Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Mai phải nộp lại số tiền là 13 tỷ đồng đã chiếm đoạt của khách hàng.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng đề nghị tiếp tục tạm giữ, kê biên tiền, bất động sản, phương tiện của các bị cáo trong vụ án để đảm bảo thi hành án và bồi thường thiệt hại cho các bị hại.