Giữ bản quyền âm nhạc trên không gian mạng

Minh Quân 21/12/2022 08:10

Với xu thế phát triển của công nghệ, dự báo thị trường âm nhạc trong tương lai sẽ chính là âm nhạc trực tuyến trên các nền tảng số. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên không gian mạng cũng phổ biến.

MV Gánh mẹ bị xóa khỏi kênh YouTube do vướng tranh chấp bản quyền lời bài hát - bài thơ.

Chạy đua với công nghệ

Mặc dù quyền thỏa thuận dân sự giữa các bên cần được bảo đảm về mặt nguyên tắc, nhưng thực tế phía tác giả thường xuyên phải chấp nhận thiệt thòi.

Trung bình người Việt dành thời gian hơn một giờ mỗi ngày để nghe nhạc trên thiết bị di động của họ. Nắm bắt được điều này, nhiều công ty công nghệ, các nhà phát triển ứng dụng đã đầu tư và phát triển các website, các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến để người dùng có thể thưởng thức âm nhạc ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời gian nào họ muốn. Tại Việt Nam, âm nhạc trực tuyến đã dần trở nên phổ biến. Cùng với sự phát triển các nền tảng online kết hợp với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, tiềm năng của thị trường nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam là rất lớn.

Nhận định về thị trường âm nhạc trực tuyến hiện nay, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho hay, âm nhạc trực tuyến đã có sự phát triển khá nhanh chóng những năm qua. Nhiều dịch vụ nghe nhạc trực tuyến cho người dùng lựa chọn từ nghe nhạc miễn phí đến nghe nhạc trả phí qua các nền tảng. Dự báo trong tương lai sẽ có thêm nhiều ứng dụng nghe nhạc trực tuyến tham gia vào thị trường âm nhạc Việt Nam; đặc biệt là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các nền tảng chia sẻ video ngắn như Tik Tok, Shorts (Google), Reels (Facebook)… khiến cho việc tiếp cận các tác phẩm âm nhạc trên môi trường số càng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, môi trường số cũng nảy sinh những vấn đề bất cập. Trong đó phải kể đến việc bảo vệ bản quyền tác giả và khai thác lợi ích từ môi trường số vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với mức độ phát triển của của thị trường âm nhạc trên môi trường số hiện nay. Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường số diễn ra khá phổ biến, trở thành thách thức đối với sự phát triển của thị trường âm nhạc trực tuyến nói chung và công tác bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số nói riêng.

Vi phạm tràn lan

Giới chuyên gia đánh giá, quyền tác giả trên môi trường internet rất dễ bị xâm phạm vì tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho phép có những ứng dụng, những tiện ích để thực hiện các trao đổi, sao chép, tải về máy cá nhân các nội dung được bảo hộ. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, theo số liệu thống kê của VCPMC thì ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 200 website có tính năng nghe nhạc trực tuyến, con số này chưa tính đến số website sử dụng tên miền quốc tế. Thế nhưng chỉ có số ít các đơn vị thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tạo hình ảnh xấu về thị trường trong nước.

Chưa dừng lại ở đó, chủ thể quyền bị xâm phạm không chỉ là tổ chức, cá nhân trong nước mà bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian cho phép người dùng truy cập và đăng tải nội dung nhưng việc kiểm soát bản quyền rất lỏng lẻo gây ra tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, theo quy định của pháp luật, việc thỏa thuận giữa các bên cần đảm bảo tiêu chí chung là hài hòa lợi ích giữa người sáng tạo - người sử dụng - công chúng hưởng thụ. Tuy nhiên, trên thực tế, về phía đơn vị sử dụng tác phẩm, vấn đề bản quyền tác giả chưa thực sự được tôn trọng. Bên cạnh các đơn vị có ý thức nghiêm túc thực hiện trả tiền bản quyền, thì vẫn còn nhiều đơn vị viện cớ không đạt thỏa thuận về mức tiền bản quyền để trì hoãn hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ.. Mặc dù quyền thỏa thuận dân sự giữa các bên cần được bảo đảm về mặt nguyên tắc, nhưng thực tế phía tác giả thường xuyên phải chấp nhận thiệt thòi. Đáng nói là, đối với các trường hợp vi phạm bản quyền, việc xử phạt vi phạm chưa nghiêm, chế tài chưa đủ tính răn đe.

Trước tình hình vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng phổ biến, đại diện VCPMC cho rằng, việc bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả cần được coi trọng hơn, quan tâm hơn so với những vấn đề dân sự thông thường để tránh tác động không tốt đến yếu tố tâm lý, ảnh hưởng đến sức sáng tạo và chất lượng sáng tác của tác giả. Tôn trọng pháp luật bản quyền vì thế cũng là hành động hết sức cần thiết.

Minh Quân