Xuất khẩu thủy sản: Kịch bản cho tăng trưởng bền vững
Kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến cán đích với kim ngạch 11 tỷ USD. Con số này được xem là mốc kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 11, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chững lại và rơi xuống mức âm, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD khiến nhiều người lo ngại mục tiêu tăng trưởng của năm 2023. Vậy ngành thủy sản cần phải làm gì?
Tăng trưởng tại nhiều thị trường
Sau một thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản đã tăng trở lại. Từ đầu năm 2022 tới nay, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản đã hoạt động hết công suất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Cùng với đó, các bộ, ngành liên tục tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường trọng điểm như: EU, Nhật Bản, châu Phi…
Trong đó, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn, tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc (chiếm 30%) và Hoa Kỳ (chiếm 23%).
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico... Giá xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28 - 66%. Ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng. Đồng thời, sự gia tăng sản lượng trong năm đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng.
VASEP dự báo, kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD. Đây được xem là mốc kỷ lục lịch sử của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ hải sản chính của Việt Nam đang chững lại khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn, như: Châu Âu, Mỹ,… Vì vậy, ngành thủy sản nói chung và doanh nghiệp cần có những kịch bản cụ thể để giữ được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023.
Cần những kịch bản, chiến lược cụ thể
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tiềm năng, lợi thế về thủy sản, nhất là nuôi cá tra ở ĐBSCL rất lớn nhưng chưa được khai thác hết, trong quá trình phát triển, ngành hàng cá tra phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là thiếu hụt nguồn giống cá tra bố mẹ chất lượng cao; tỷ lệ cá tra sống khi ương dưỡng từ giai đoạn cá bột đến cá giống còn thấp; chất lượng con giống chưa được kiểm soát tốt…
Để phát triển ngành hàng cá tra ở ĐBSCL, cần khắc phục những hạn chế nói trên. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra theo hướng ổn định. Việc ứng dựng khoa học công nghệ tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến cá tra góp phần cải thiện quy trình nuôi, đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn, có giá trị cao; giải quyết những vấn đề về kiểm soát môi trường; giảm chi phí sản xuất… Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành hàng.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Ánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc - Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) cho biết, để thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu là rất khó khăn, phải trải qua cả một quá trình, nhiều khâu kiểm duyệt ngặt nghèo... Với những kinh nghiệm đã trải qua, bà Ánh cho biết, các DN xuất khẩu cần đẩy mạnh việc đầu tư công nghệ, nắm bắt thông tin nơi thị trường mình hướng đến, chủ động tìm hiểu và nâng cao sức cạnh tranh để có thể mở rộng thị trường, nhất là các thị trường khắt khe. Cũng theo bà Ánh, đây chính là yếu tố quan trọng để các DN bứt phá trong năm tới, giữ vững được mục tiêu xuất khẩu.
Ngoài ra, cá tra đang vướng về vấn đề con giống, con tôm cũng có những khó khăn riêng. Đối với cá tra, làm sao phải hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh. Song, giá nguyên liệu thức ăn thủy sản được dự báo sẽ tăng cao, điều này rất khó cho việc hạ giá thành sản phẩm, trong khi thị trường xuất khẩu đang trầm lắng. Đây được xem là bài toán khó đòi hỏi các DN xuất khẩu thủy sản cần có những chiến lược, kịch bản cụ thể để hóa giải. “Việc giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như: Về con giống, thay đổi thiết bị công nghệ, quản lý chất lượng ổn định, tránh hao hụt… và nhiều biện pháp khác. Có như vậy, về lâu dài mới có thể giải quyết được bài toán khó nêu trên” – ông Hàng Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) nêu quan điểm.
Nói về bức tranh ngành thủy sản trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, ngành thủy sản đặt mục tiêu tới năm 2030 xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. “Để đạt mục tiêu này, ngành thủy sản phải xoay chuyển thực tế bằng cách đi vào chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt với các thị trường tiềm năng” – ông Tiến nhấn mạnh.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất. Chúng ta cũng có 20 công ty trong câu lạc bộ 100 triệu USD và sẽ gia tăng trong vài năm tới. Hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng...
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ngành thủy sản là ngành vốn lưu động, nghĩa là luôn được ngân hàng ưu tiên cho vay, trong khi đó doanh thu ngành này vẫn tốt nên dự báo năm tới, dòng vốn vào ngành thủy sản sẽ thuận lợi hơn những ngành khác.
Đây chính là những lợi thế để chúng ta có thể lạc quan hơn cho mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
“Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, để có thể giữ vững mức tăng trưởng, các DN xuất khẩu thủy sản cần liên kết để “vươn ra biển lớn” theo phương châm “buôn có bạn bán có phường”, việc liên kết này là để chúng ta đi cùng nhau, không cạnh tranh lẫn nhau mà cạnh tranh với ngành hàng thủy sản của các quốc gia khác trên thế giới” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.