Tiền chảy mạnh vào ngân hàng
Trong khi tiền gửi doanh nghiệp tại ngân hàng sụt giảm trong tháng 10 thì tiền gửi dân cư lại có xu hướng tăng do lãi suất tăng. Theo đánh giá chung, thời gian tới gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn.
Tiền gửi cư dân tăng mạnh
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ đồng so với tháng 9.
Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với tháng trước, lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng đã huy động được thêm hơn 360.000 tỷ đồng từ dân cư.
Con số từ NHNN cũng cho thấy, tốc độ tăng huy động vốn khu vực dân cư trong tháng đã tăng lên 0,4%, là mức độ tăng khá nhanh hơn so với những tháng trước. Đây cũng trùng với thời điểm NHNN tăng lãi suất điều hành 2 lần (22/9 và 25/10) và ngay sau đó, các ngân hàng thương mại đã bước vào cuộc đua lãi suất huy động.
Thời điểm này, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động thêm 3 - 4%/năm tùy từng kỳ hạn. Trong đó, trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tăng từ mức 4% lên 6%/năm; kỳ hạn 6 – 12 tháng tại một số ngân hàng đã lên đến 9 – 10%. Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, phổ biến lãi suất dao động 9,5 – 10%/năm, cá biệt nhiều ngân hàng lên tới gần 12%/năm.
Ở diễn biến ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, sau khi tăng mạnh trong tháng 9 đã quay đầu giảm 15.811 tỷ đồng vào tháng 10, xuống còn 5,76 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm có thể đến từ yếu tố mùa vụ. Theo đó, cuối năm doanh nghiệp có xu hướng rút tiền để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, những khó khăn trên thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) cũng khiến dòng tiền của doanh nghiệp kém dồi dào.
Băn khoăn kênh đầu tư
Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh khiến dòng tiền nhàn rỗi quay trở ngân hàng, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán, bất động sản giảm mạnh. Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, với nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, “ngồi im là thượng sách”. Nói cách khác, mang tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hiện nay là kênh đầu tư tốt nhất.
Theo ông Khánh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng còn tiếp tục “bất động”. Thị trường chứng khoán hiện khá hấp dẫn, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó vẫn chưa nên đầu tư vào các kênh này.
Một số nhà đầu tư cho biết, đây là thời điểm nhạy cảm nên họ sẽ chọn phương án an toàn là gửi tiết kiệm. Theo chị Phan Vân Khánh (trú tại Linh Đàm, Hà Nội), gửi tiết kiệm sẽ có lợi khi các kênh đầu tư phổ thông như chứng khoán, bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng chấp nhận trả lãi suất tiền gửi lên tới hơn 10% cho kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng. Chưa hết, cuối năm một số ngân hàng cũng điều chỉnh biểu lãi suất kèm các quà tặng, khuyến mãi để tạo một nền lãi suất hấp dẫn hơn đối với người gửi tiền.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng tại Hà Nội thông tin: Khi các thị trường có sự biến động, người dân sẽ có những so sánh để có chọn lựa kênh đầu tư cho mình. Vị này cho biết có nhiều khách hàng chỉ gửi ngắn, 6 tháng hoặc 9 tháng, nhưng khi đáo hạn lại gửi tiếp, có khi kéo dài đến nhiều năm.
Tuy nhiên, trong xu thế lãi suất tăng và người dân gửi tiền vào ngân hàng ngày một nhiều thì chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiền gửi tiết kiệm chỉ là khoản có tính chất nhàn rỗi và suy cho cùng cũng không nên khuyến khích người dân chăm chăm bỏ vốn vào ngân hàng mà cần khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh, tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tính chung tổng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến hết tháng 10 đã tăng 4,39%, tương đương tăng 480.780 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 2,15%.