Chủ động thích ứng với già hóa dân số
Theo thống kê, quy mô và tỷ lệ dân số cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) tại nước ta đang tăng nhanh, ước tính vào năm 2035, nước ta sẽ có 14,23 triệu người) cao tuổi (khoảng 14%). Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở nhóm người cao tuổi.
Nhận định từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thời kỳ già hóa dân số của Việt Nam rất ngắn, dự báo trong vòng 26 năm (2011-2036). Nếu tính từ năm 2022, Việt Nam chỉ còn khoảng 14 năm để ứng phó trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, cho dù hiện tại chúng ta vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
Còn GS. TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam dự đoán: “Chỉ trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ chính thức trở thành quốc gia có dân số già bởi quá trình già hóa dân số của nước ta chỉ diễn ra chỉ trong khoảng 23 năm, trong khi đó các quốc gia khác mất tới hàng chục, hàng trăm năm. Liên hợp quốc cũng nhận định Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới”.
Theo nghiên cứu trên người cao tuổi tại cộng đồng của Bệnh viện Lão khoa trung ương, các hội chứng lão khoa thường gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thúc đẩy và gây suy giảm chức năng và khuyết tật. Các hội chứng lão khoa phổ biến nhất là: Ngã, hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, tình trạng đa bệnh lý.
Bên cạnh đó, chi phí y tế tăng cao, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu nhân lực được đào tạo - thiếu người chăm sóc, việc thực thi các chính sách dành cho người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn như thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực về kinh tế, con người… cũng là những thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu chăm sóc dài hạn của người cao tuổi ngày càng tăng cao trong những năm tới do dân số Việt Nam vẫn đang già hóa nhanh và người cao tuổi đối mặt với các khó khăn trong hoạt động hàng ngày cũng như các khuyết tật về nhìn, nghe, vận động, nhớ hoặc tập trung và giao tiếp...
Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho rằng, để chăm sóc người già trong cuộc sống hiện nay cần phải có các nghiên cứu đánh giá nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, phải đẩy mạnh phát triển hệ thống và mạng lưới lão khoa.
Ngành y tế cũng cần xây dựng giá dịch vụ y tế cho người cao tuổi theo hướng “tính đúng, tính đủ”, triển khai “bảo hiểm người già” hoặc “bảo hiểm chăm sóc dài hạn”. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chăm sóc người cao tuổi.
Việc phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cũng cần chú trọng xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (bệnh nhân Alzheimer); có khu chung cư dành cho người già. Từng bước phát triển các Trung tâm ban ngày (cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức trong mỗi gia đình về việc cần phải có sự chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi đã thay đổi giúp xã hội quan tâm đến người cao tuổi nhiều hơn.
Già hóa dân số là xu hướng chung của thế giới. Việt Nam cần tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế, xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập.
Theo Hội Lão khoa Việt Nam, dự báo tới năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 17% tổng dân số và con số này có thể lên mức 25% vào năm 2050. Có thể thấy, tỷ lệ người cao tuổi đang ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số của chúng ta. Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là một nhu cầu cấp thiết cần được đặt ra. Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều khó khăn xung quanh vấn đề này như thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, nhân lực chăm sóc người cao tuổi, bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.