Tăng tốc ôn tập
Hiện đang là thời kỳ cao điểm học sinh chuẩn bị cho bài kiểm tra, đánh giá định kỳ cuối kỳ 1, năm học 2022-2023.
Căng mình ôn tập
Các trường trên địa bàn TP Hà Nội đã bước sang tuần học thứ 16, thầy và trò đang bắt đầu “chạy nước rút” ôn tập để chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ 1.
Em Lê Thị Ngọc Anh - học sinh lớp 9, Trường THCS Thường Tín (Hà Nội) cho biết, cô giáo chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn đã thông báo về kế hoạch thi cuối học kỳ 1 từ đầu tháng 12. Giai đoạn này, ngoài dạy bài mới, thầy cô đều xây dựng đề cương ôn tập cuối kỳ để học sinh tự học ở nhà, sau đó chữa trên lớp. Do đã có sự chuẩn bị từ khi mới bước nào năm học nên Ngọc Anh cho biết, em không quá căng thẳng, vẫn duy trì đều đặn việc hoàn thành hầu hết bài vở trên lớp, về nhà là làm đề cương để sau đó lên lớp hỏi thầy cô những chỗ còn vướng mắc.
Chị Bích Phượng - phụ huynh ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho kiểm tra giữa kỳ của hai con đang học lớp 3 và 6, lịch sinh hoạt của gia đình chị cũng thay đổi. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra thật nhanh để đúng 7h30 là các con ngồi vào bàn học. “Kiến thức cả lớp 3 và 6 đều theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên tôi thấy khá khó. Dù giáo viên đã giao đề cương nhưng nhiều chỗ cháu không hiểu, vợ chồng tôi phải chia nhau mỗi người kèm một cháu mỗi tối. Lịch học thêm cờ vua, đàn dịp này cũng phải tạm hoãn, có tiếng Anh duy trì tuần 2/buổi thì vẫn học vì cô cũng kết hợp ôn tập để kiểm tra đạt kết quả tốt nhất” - chị Phượng nói.
Trên thực tế, không chỉ học sinh căng mình ôn tập mà giáo viên cũng bận rộn không kém. Cô giáo Trần Thùy Liên - giáo viên Trường Tiểu học Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, ngoài việc lên đề cương, hướng dẫn học sinh ôn tập trên lớp, kiểm tra thử để biết mức độ hiểu bài, nắm bài của các con đến đâu, cô cũng liên tục kết nối với các bậc phụ huynh để cùng sát sao kèm con học. Điện thoại của cô thường xuyên nhận được tin nhắn của phụ huynh hỏi bài, giải đáp nội dung bài tập làm theo cách này đã đúng hay chưa… “Thời gian này cũng đồng thời diễn ra một số cuộc thi kiến thức trên mạng, tôi cũng đề nghị phụ huynh động viên các con tham gia như một cách rèn luyện kiến thức, kỹ năng để có cơ hội cọ xát, biết mình yếu ở điểm nào để khắc phục” - cô Liên cho biết.
Tại Trường tiểu học Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, việc ôn tập được đan xen trong mỗi tiết học. Đồng thời, giáo viên cũng gửi thêm đề ôn luyện Toán, tiếng Việt… được xây dựng theo các mức độ khác nhau để học sinh rèn thêm ở nhà. Theo đại diện nhà trường, đây đều là các kiến thức trọng tâm, bám sát nội dung bài học đã được cô giáo giảng trên lớp nên không gây tâm lý căng thẳng, áp lực cho học sinh.
Băn khoăn với lớp 10
Năm học này, lần đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10 với một số môn học mới. Điều này buộc các nhà trường phải đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực tế, ứng dụng hơn.
Trong đó, môn Ngữ văn là có những thay đổi rõ ràng nhất khi yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là phải đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học theo kiểu đọc chép và thuộc lòng theo văn mẫu. Điều đó, đặt ra yêu cầu mới với thầy và trò trong quá trình học, ôn tập cuối học kỳ.
Hiện nay, không còn khái niệm thi giữa kỳ mà thay vào đó là kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ nhằm giảm áp lực cho thầy và trò. Dẫu vậy, với những yêu cầu mới trong việc đánh giá học sinh, nhất là các lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi khiến cả thầy và trò đều phải nỗ lực để có thể bắt nhịp kịp với sự thay đổi này.
Vì vậy, theo nhiều trường, cần có các hình thức kiểm tra phù hợp sẽ giúp các em bớt áp lực. Cần đa dạng cách thức kiểm tra sẽ tạo động lực để học sinh tiến bộ song vẫn giúp giáo viên, nhà trường và bản thân học sinh tự đánh giá được năng lực của mình.