Đầu tư lớn ngăn biển 'nuốt' làng
Trước tình trạng biển xâm thực nghiêm trọng tại khu vực thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa); mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản thống nhất chấp thuận Dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp với tổng mức đầu tư lên đến 130 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, tình trạng biển xâm thực xảy ra tại khu vực thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) xảy ra khá thường xuyên. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn kể từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ trong vài tháng, biển đã cuốn đi diện tích khoảng 15ha. Trong đó, đất ở bị cuốn trôi, sạt lở khoảng 1.000m2; đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1,5ha; đất quy hoạch cụm công nghiệp khoảng 2,2ha; đất rừng phòng hộ hơn 11ha. Ngoài ra, hiện nay nhiều hộ dân tại thôn Tân Xuân bị nước biển dâng cao, vào sân, vườn thường xuyên, vị trí sạt lở chỉ còn cách nhà dân gần nhất khoảng 20m.
Quá trình kiểm tra, đánh giá, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng xác định: Hiện tượng này có thể diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân thôn Tân Xuân và toàn bộ xã Hoằng Phụ với 2.785 hộ/11.241 nhân khẩu, phá vỡ quy hoạch Quần thể khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa.
Bà Hoàng Thị Hương - một người dân trú tại thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ cho biết: Trước kia, gia đình có 1.250m2 đất ở ngay khu vực ven biển xâm thực. Tuy nhiên, diện tích đất này đang bị sóng biển khoét sâu, ăn mòn dần. Quá lo lắng trước tình hình biển ngày càng xâm thực mạnh, trong năm 2022, đã 3 lần gia đình nhà bà Hương phải bỏ ra gần 400 triệu đồng xây tường bao, be bờ, đổ cát, đá, làm kè, giằng, đổ cột bê tông kiên cố để giữ đất nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện là mấy. Sau cơn bão số 4 vừa qua, nhiều đoạn tường bao bê tông đã bị sóng đánh đứt gãy và phân nửa đã bị chìm vào lòng biển.
"Nhà có 6 khẩu, không nghề phụ, chúng tôi đã mua mảnh đất này dự định để cho con cái làm ăn, phát triển du lịch, nhưng với tình trạng như thế này thì chả mấy sẽ mất hết đất" - bà Hương lo lắng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng biển xâm thực, “nuốt” làng được cho là do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết bất thường và một phần do nạn nạo hút cát trái phép trên sông Mã đã làm thay đổi dòng chảy. Để đối phó với tình trạng này, chính quyền xã Hoằng Phụ đã phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời lên phương án sẵn sàng sơ tán 21 hộ với gần 80 nhân khẩu nằm ở khu vực nguy hiểm, khu vực sạt lở, biển xâm thực.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở, biển xâm thực ở khu vực cửa Lạch Hới (thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ). Yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến biển xâm thực; cắm mốc, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần; khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: Trước tình trạng biển xâm thực đất liền xảy ra tại thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa), địa phương đã thống nhất chọn biện pháp xử lý cấp bách là xây dựng kè chắn sóng, chống tình trạng biển tiếp tục xâm thực.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Theo đó, Thanh Hóa sẽ dành 130 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện Hoằng Hóa xây dựng tuyến kè tường đứng dài khoảng 1,5km và đoạn vuốt nối với công trình hiện tại có chiều dài khoảng 120m.
Công trình là tường chắn đất kết hợp tường bê tông cốt thép chống xói lở bằng các cấu kiện bê tông cốt thép; chân kè được gia cố bằng hàng ống buy... Sau khi hoàn thành, công trình này sẽ giúp xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời tạo cảnh quan phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch chung Quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến.
Nói về tính hiệu quả và khả thi của dự án nêu trên, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân. Chính vì tính cấp thiết, hiện nay tỉnh đang đôn đốc huyện Hoằng Hóa khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, để dự án sớm đi vào vận hành.