Tạo đà để thị trường bán lẻ phát triển

T.Hằng (thực hiện) 22/12/2022 07:22

Thị trường bán lẻ đang ở giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ. Theo chuyên gia Vũ Vĩnh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, để nâng cao vị thế của doanh nghiệp bán lẻ nội rất cần có những chính sách, quy định phù hợp để hỗ trợ ngành bán lẻ trong nước.

Ông Vũ Vinh Phú.

PV: Thị trường bán lẻ xuất hiện ngày càng nhiều mặt hàng của các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Cuộc cạnh tranh để xâm nhập và phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang rất mạnh mẽ và quyết liệt, ông đánh giá thế nào về bức tranh ngành bán lẻ?

Ông Vũ Vinh Phú: Hiện nay hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của doanh nghiệp (DN) FDI chiếm hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Để nâng cao vị thế của DN nội, không còn con đường nào khác là phải đầu tư để ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định, chính sách phù hợp. Tạo cho DN nội cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh. Tăng cường mối liên kết giữa nhà sản xuất và kênh phân phối. Ngành sản xuất Việt Nam, đặc biệt là những ngành sản xuất nông sản, thực phẩm phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và nâng chất lượng hàng hóa lên một tầm cao hơn. Bên cạnh đó, phải gắn kết với khâu bán lẻ thành chuỗi, bớt những khâu trung gian, thương lái.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, các DN bán lẻ đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều kênh bán hàng, vừa trực tiếp và online, sử dụng đường dây nóng, ông đánh giá thế nào về những động thái này của DN?

- Nếu như trước đây, người tiêu dùng thường chọn đi chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đến mua sắm, thì khi giờ đây chuyển sang mua hàng online nhiều hơn. Nắm bắt hành vi tiêu dùng này, các nhà bán lẻ cũng đã tập trung khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh, đa phương tiện trong thương mại điện tử... giúp doanh số tăng trưởng khá.

Với sự phát triển của thương mại điện tử, DN bán lẻ cần có sự chuẩn bị hậu cần tốt “nhất cự li nhì tốc độ”, giao hàng nhanh, phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của khách hàng. Cùng với đó là cắt giảm tối đa chi phí lưu thông trong nội bộ để giảm giá thành. Các hệ thống siêu thị chủ động kết nối với các nhà sản xuất và nhà cung cấp bảo đảm nguồn hàng về lượng và chất.

Tết Nguyên đán đang cận kề, nếu tính theo thời điểm bắt đầu mua sắm Tết thì chỉ còn khoảng 1 tháng. Chính vì vậy, ngoài chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm thì cần chú trọng công tác quản lý giá, nhất là giá những mặt hàng thiết yếu. Thị trường hàng hoá có một mức giá hợp lý sẽ có lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, lúc đó tăng trưởng bán lẻ sẽ tốt.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực thay đổi của các DN bán lẻ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nhà bán lẻ ngoại. Song, có lẽ DN bán lẻ nội cần phải thay đổi toàn diện hơn?

- Thay đổi là cần thiết, nhưng để có thể phát triển bền vững, các DN bán lẻ cần phải chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo lại kỹ năng cho đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực nội tại. Tiếp đến là phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục. Ngoài ra, những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng cần được ưu tiên nhằm giúp các DN bán lẻ tận dụng được các cơ hội trong thời gian tới.

Về căn bản DN bán lẻ cần tăng cường liên doanh liên kết, gắn kết được khâu sản xuất với phân phối hàng hóa, cải thiện dần quá trình này giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, hướng tới sự bền vững của toàn bộ chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng thương hiệu - yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của mỗi DN. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng của những DN có chữ tín. Việc DN luôn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng là cách tạo dựng thương hiệu và uy tín, là văn hóa doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng hơn nữa kênh bán lẻ truyền thống, tức là chợ. Chợ hiện đang chiếm đến 75% thị phần, tuy nhiên kênh phân phối này lại đang tăng trưởng chậm lại, thưa ông?

- Chợ truyền thống tăng trưởng chậm một phần nguyên nhân bởi sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của bán lẻ hiện đại, mặt khác là do khâu đầu tư, cải tạo kênh này đang bị hạn chế. Do vậy, nhiều chợ hạ tầng kém, an toàn phòng chống cháy nổ không bảo đảm. Chính bởi vậy, song song với việc phát triển các kênh bán lẻ hiện đại, chúng ta cũng cần chú trọng để đầu tư, nâng cấp phát triển các chợ truyền thống.

Trân trọng cảm ơn ông!

T.Hằng (thực hiện)