Bảo tàng chiến tranh và câu chuyện của 2 người bạn
Gần 15 năm qua, ông Nguyễn Văn Tú và ông Dương Văn Đôn đã đi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc sưu tập hơn 3.000 hiện vật chiến tranh để mang về bảo tàng trưng bày. Đối với họ, mọi hiện vật đều là bằng chứng quý giá về một thời "hoa lửa" của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Dọc theo con đường đê về xóm 9, xã Kim Chính (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), Bảo tàng Kim Chính hiện lên như một điểm đến thu hút khách tham quan. Còn nhớ như in hành trình thành lập bảo tàng từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Tú - Giám đốc bảo tàng cho biết, nguồn đam mê để xây dựng nên bảo tàng như hôm nay bắt đầu từ những bình tông, đài cát sét, đồng hồ… mà bố mẹ ông để lại.
Thời điểm năm 2008, ông Tú và người bạn là ông Dương Văn Đôn đã nhen nhóm ý định đi sưu tầm hiện vật lịch sử thời chiến. Vốn từng có thời gian tham gia quân ngũ nên việc kết nối thông tin với bạn bè ở các tỉnh, thành tương đối thuận lợi.
Mỗi khi nhận được thông tin về các hiện vật, ông Tú và ông Đôn lại xách balo lên đường. Những địa điểm ghi dấu những trận chiến ác liệt của dân tộc như Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Củ Chi… đều in rõ dấu chân của hai ông.
“Có thông tin về hiện vật, xách balo đến, nhìn thấy, sờ thấy được rồi đó nhưng chưa chắc mua được, vì đôi khi người bán họ không cần tiền. Với họ, ý nghĩa của chính hiện vật mới là thứ quan trọng nhất nên mình phải dùng cái tâm, sự nhiệt huyết và bằng chứng xác thực về việc mình sưu tập hiện vật để thành lập bảo tàng thì họ mới tin, mới trao hiện vật cho mình” - ông Tú chia sẻ.
Còn theo ông Đôn, do hiểu ý nguyện và tâm huyết mà 2 người đã dành cho công tác sưu tầm nên tại rất nhiều địa phương, các cựu chiến binh, các nhà sưu tầm cũng như người dân đã chủ động tìm đến, trao tặng lại những kỷ vật vô giá mà họ lưu giữ suốt bao nhiêu năm qua…
Ở mỗi vùng đất đặt chân tới, mỗi hiện vật sưu tập được đều để lại trong tâm trí ông Tú và ông Đôn những cảm xúc khó tả. Đến nay, sau gần 15 năm mòn mỏi đi khắp đất nước, hai ông đã thành lập nên Bảo tàng Kim Chính với hơn 3.000 hiện vật, được chia làm 3 mảng: Hiện vật chiến tranh, hiện vật thời bao cấp và hiện vật thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Trong số này, đáng chú ý nhất là gần 1.000 hiện vật về chiến tranh với các món vũ khí như súng, bom, ngư lôi, pháo được trưng bày trên diện tích rộng khoảng 5.000 m2. Đặc biệt, nơi đây còn có máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 do Liên Xô sản xuất, hiện đây là phương tiện chiến tranh mà rất ít nơi nào trên cả nước còn lưu giữ được.
Theo tìm hiểu, đây là loại máy bay mà anh hùng liệt sỹ Đỗ Văn Lanh quê ở phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình đã từng lái trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Tại bảo tàng, được chứng kiến và sờ tận tay vào các hiện vật chiến tranh, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ trước tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của lớp cha anh qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
“Tôi rất bất ngờ khi lãnh đạo của bảo tàng có thể sưu tập được nhiều hiện vật chiến tranh như vậy. Trước kia, tôi chỉ biết bom, ngư lôi, tên lửa hay như chiếc máy bay Mic-21 trên tivi. Đến đây, tôi được chạm vào, được cảm từng hiện vật, nhờ đó, tôi hiểu thêm sự ác liệt của cuộc chiến cũng như những hy sinh mà cha ông ta phải đánh đổi để giành lấy hòa bình” - anh Vũ Văn Thượng, một du khách đến từ Thanh Hóa chia sẻ.
Theo lãnh đạo của bảo tàng, hiện vật là ngôn ngữ của lịch sử, vì vậy, họ sưu tầm những thứ có giá trị này không phải vì tiền mà mục đích lâu dài là giá trị văn hóa… để giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn lịch sử nước nhà.
Ngoài khu vực chính trưng bày về hiện vật chiến tranh thì những nơi còn lại trưng bày những hình ảnh về mảnh đất “Ninh Bình - dấu ấn một vùng đất cổ” với những tấm hình lịch sử tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và lịch sử Ninh Bình từ thời tiền sử rất phong phú.