Quy hoạch tổng thể quốc gia cần “động” và “mở”
Chiều 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm phát triển quy hoạch quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2030. Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.
Theo ông Dũng, mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Ông Dũng cũng đề cập đến các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch gồm: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Cùng với đó, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam, các hành lang kinh tế Đông-Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.
Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát phạm vi, ranh giới Quy hoạch bao gồm: Toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định theo quy định của Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể quốc gia cần được nhìn nhận như là một công cụ mang tính “động” và “mở” phù hợp với xu thế kinh tế-xã hội luôn biến động, không nên sử dụng như một công cụ điều hành thường nhật. Do đó nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 nhưng không nên quá cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, đây là nội dung quan trọng được cho ý kiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị từ khi có Luật Quy hoạch, liên kết tích hợp ngay sau khi có luật và trình xin ý kiến Trung ương thảo luận khá kỹ. Các kết luận của Trung ương đã được tiếp thu tối đa. Tuy nhiên quy hoạch phải “động” và “mở”, cũng như cần phân cấp phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quy hoạch cần tuân theo kết cấu của Luật Quy hoạch. Phạm vi ranh giới quy hoạch vùng đất, trời, biển lập quy hoạch theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển nên tách riêng phần tầm nhìn đến năm 2030, năm 2050. Đồng thời, bổ sung thêm vấn đề thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ xem xét, quyết định các nội dung như: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Dự kiến kỳ họp khai mạc vào ngày 5/1/2023 và bế mạc vào chiều ngày 9/1/2023.