Những kỷ niệm với nhạc sĩ Trọng Bằng

TRẦN THỊ TRƯỜNG 26/12/2022 15:16

Nhạc sĩ Trọng Bằng không chỉ nổi tiếng vì tài năng âm nhạc (sáng tác và chỉ huy), từng giữ chức vụ cao nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa X, và là em trai của nhạc sĩ Trọng Loan… Ông đối với cánh nhà báo, trong đó có tôi, khá thân thiết.

NSND Trọng Bằng.

Người nghệ sĩ tài hoa

Trong mắt tôi, Trọng Bằng là một trong những nhạc sĩ đẹp trai nhất của làng âm nhạc Việt Nam. Đẹp lâu bền, kể từ khi còn trẻ cho đến khi nghỉ hưu, thậm chí vẫn giữ được vóc dáng và gương mặt thanh thoát cho đến ngoài 80 tuổi. Cao dong dỏng, ăn mặc luôn chỉnh tề, mùa hè sơ mi trắng, mùa đông áo vest hoặc áo măng tô, sơ mi bên trong, cổ thắt cà vạt, nếu không vì mái tóc đen, trông ông giống một người Âu hơn là người Á. Nói chuyện với nhà báo (trẻ - là tôi lúc bấy giờ) về chuyên môn, về những không gian nghệ thuật ông từng có mặt và những kỷ niệm sống động của ông một thời, thi thoảng lại dùng tiếng Pháp. Ông bảo, ông rất ham học, muốn sử dụng tốt ngoại ngữ để tiếp thu được nhiều hơn những tinh hoa nhân loại.

Có lần ông tặng tôi tuyển tập ca khúc “Tình quê hương” (1976) gồm nhiều bài hát đã in đậm dấu ấn những năm tháng hào hùng của đất nước như: “Tình quê hương”, “Tây Bắc sáng lại”, “Nhịp máy khoan”, “Những dũng sĩ Núi Thành”, “Bài hát bên cầu phao”, “Trăng sáng trên tuyến đường”, “Pháo ta gầm”, “Quê hương vang lên tiếng hát tự hào”... Ông cũng là tác giả âm nhạc của nhiều vở sân khấu như: “Làng đỏ”, “Bão biển”, “Khúc thứ ba bi tráng”, “Người cầm súng”, “Những người Nga”, “Người công dân số 1”, “Bay trước mùa xuân”, “Xóm vắng”, “Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha”, “Hẹn ngày trở lại”... và của một số phim như: “Cù Chính Lan”, “Biển lửa”, “Chùm hoa thiên lý”, “Ngày lễ Thánh”, “Bức tường không xây”, “Ngôi sao trên biển”, “Trừng phạt”, “Hoàng Hoa Thám”...

Ông hoạt động âm nhạc từ khi còn là học sinh trung học ở liên khu bốn, từng là đội trưởng Đội Ca nhạc Đoàn Văn công nhân dân trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Năm 1963, ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng xuất sắc tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Nga. Về nước, ông làm giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam và là chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam, sau được cử làm Phó Giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật.

Giai đoạn 1978-1984, ông là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, kiêm Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1984-1996, ông là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, đã góp phần quan trọng trong việc đưa ngôi trường này trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn có uy tín.

Một thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Thiếu Hoa, Phạm Ngọc Khôi, Lê Phi Phi, Doãn Nguyên, Nguyễn Tài Tuấn... đã từng là học trò của ông.

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kể rằng: “NSND Trọng Bằng là người thầy đã gắn bó cùng chúng tôi suốt một chặng đường. Ông đã chỉ dạy cho nhiều học trò bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn mà ông tích luỹ được sau nhiều năm nghiên cứu, học tập ở nước ngoài trên bước đường đào tạo những người làm âm nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt ở chuyên ngành khó nhất: Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Ông phổ quát các trường phái âm nhạc cùng các giai đoạn phát triển của âm nhạc thế giới, sau đó, tổng kết lại bằng một sự diễn đạt dễ hiểu, giúp nhiều người có thể tiếp cận. Những điều đó là nền tảng cơ bản vô cùng tốt giúp chúng tôi phát triển và có những thành công như hôm nay...”

Ông được phong hàm Giáo sư từ năm 1991. Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân, Tổng thư ký Hội, nhưng không quan cách, ông tận tụy với nghề và gần gũi, cởi mở với đồng nghiệp và học trò.

Nhạc sĩ Trọng Bằng chỉ huy dàn nhạc năm 2009.

Góp sức cho nền âm nhạc Việt Nam

Đứng đầu hai đơn vị nghệ thuật quan trọng của nước nhà là Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, ông đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng nghệ thuật cho nước nhà. Ông làm tốt công tác quản lý một Hội có hàng nghìn hội viên trong cả nước. Ông cũng là một nhạc trưởng chỉ huy nhiều đêm diễn thành công với nhiều danh mục tác phẩm tầm cỡ. Hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại, từ tác phẩm kinh điển của các nhạc sĩ thế giới đến tác phẩm có giá trị của các nhạc sĩ Việt Nam đã được ông dàn dựng và chỉ huy. Cây đũa chỉ huy của ông điêu luyện, phong thái chỉ huy rất lôi cuốn.

Dịp chào mừng thống nhất đất nước, ông đã gây ấn tượng mạnh cho người miền Nam khi họ nhìn thấy một nhạc trưởng trẻ tuổi, người Bắc chỉ huy một cách xuất thần trong chương trình hòa nhạc đồ sộ tại Nhà hát Thành phố ngày 1/6/1975. Các nhạc sĩ ở TPHCM kể rằng, họ kinh ngạc khi biết trong tay ông lúc ấy không phải là những bản tổng phổ hoàn chỉnh, tất cả chỉ hiện diện trong trí nhớ của ông. Đêm ấy, gần 100 nghệ sĩ dưới cây đũa của ông đã trình diễn các tác phẩm của L.V Beethoven, F.B Mendelssohn, P.I Tchaikovsky, F. Schubert, A.Dvorak, G. Rosonini, J. Strauss và của Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Tấn...

Trong lĩnh vực sáng tác, ông có một số ca khúc được yêu thích như đã kể trên nhưng tôi ấn tượng sâu hơn về những tác phẩm khí nhạc ông có. Những bản như: “Overture Chào mừng” (1986); Giao hưởng thơ “Người về đem tới ngày vui” (1990); “Vũ khúc viết cho cello và piano”, ouverture fantaisie “Chào thiên niên kỷ mới” (2000), hai tổ khúc hợp xướng “Mùa xuân trên quê hương đổi mới” (2002) và “Trường ca Tây Bắc” (2004). Trong đó có những bản được nhiều nhạc trưởng người nước ngoài (từng chỉ huy các dàn nhạc Việt Nam biểu diễn) chọn đưa vào chương trình biểu diễn tại Việt Nam.

Năm ông gặp “sự cố” (người ta bảo ông đạo nhạc) chương IV Bản giao hưởng số 5 của Shostakovitch và chương IV, Giao hưởng số 7 của Prokofiev, tôi thấy ông rất buồn. Nghe dư luận về ông, nói lại với ông, ông chỉ cười bảo: “Ai nói gì thì nói, mình tự biết mình chứ và mình cũng biết vì sao lại họ lại nói như thế… Đời mà. Mình cũng chả giận họ. Bạn yên tâm nhé!”.

Ngoài công việc, ông có một đời sống hạnh phúc với gia đình. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Nga. Bà từng du học ngành vô tuyến điện ở Matxcơva. Họ quen nhau thời kỳ cùng du học và cưới nhau ở đó năm 1962. Về nước bà làm ở Bộ Bưu chính viễn thông, từng giữ chức quyền Vụ trưởng vụ đối ngoại. Họ có 2 con, một trai, một gái. Con trai ông là nghệ sĩ violin Trọng Bình, cũng có thời gian du học ở Nga, Canada… hiện đang giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Những năm sau này, khi ông không còn làm công tác ở Hội, thi thoảng tôi lại nhìn thấy ông vung cây đũa trên bục chỉ huy ở các chương trình âm nhạc quan trọng của đất nước. Hôm nghe tin ông rời nhân thế (21/11/2022), tôi bỗng nhớ dáng vẻ ông trong vai nhạc trưởng bộ phim của Pháp về Điện Biên Phủ (1991), rất hào sảng. Nhớ mãi hình ảnh cao gầy của ông trong chiếc áo đuôi tôm màu đen năm 1980, sau khi NSND Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X trở về, Trọng Bằng đứng trên bục chỉ huy 10 đêm liền ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Đặng Thái Sơn solo và diễn với Dàn nhạc bản Concerto số 2 của Chopin...

Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, NSND Trọng Bằng đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật cùng nhiều huân huy chương và giải thưởng khác. Dù NSND Trọng Bằng đã đi xa nhưng những đóng góp của ông và cả những khát khao, mong ước của ông về một nền âm nhạc Việt Nam mang dấu ấn sâu sắc của dân tộc Việt Nam nhưng chứa đựng cả tinh hoa nhân loại, sẽ còn được các đồng nghiệp, và các thế hệ học trò của ông gìn giữ và tiếp nối.

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: NSND Trọng Bằng là người thầy đã gắn bó cùng chúng tôi suốt một chặng đường. Ông đã chỉ dạy cho nhiều học trò bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn mà ông tích luỹ được sau nhiều năm nghiên cứu, học tập ở nước ngoài trên bước đường đào tạo những người làm âm nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt ở chuyên ngành khó nhất: Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Ông phổ quát các trường phái âm nhạc cũng các giai đoạn phát triển của âm nhạc thế giới, sau đó, tổng kết lại bằng một sự diễn đạt dễ hiểu, giúp nhiều người có thể tiếp cận. Những điều đó là nền tảng cơ bản vô cùng tốt giúp chúng tôi phát triển và có những thành công như hôm nay...

TRẦN THỊ TRƯỜNG