Nhà văn Trần Huy Minh Phương: Một niệm an tất thảy đều an
Nhà văn Trần Huy Minh Phương đã xuất bản các tác phẩm: “Gió mặn”, “Túi”, “Một hơi thở một đời người”, “Mở lòng thì được tất cả”, “Hoa nở từ tâm”. Gần nhất là tập thơ “Khói rụng”. Anh chia sẻ, ai cũng muốn mình an, vậy đừng làm bất an đến người khác hay vật khác thì mình sẽ an. Một niệm an tất thảy đều an.
Tuổi thơ của nhà văn Trần Huy Minh Phương là thư viện, nhà văn hóa, là những câu chuyện kể từ ông bà, cha mẹ, họ hàng… ăm ắp cung bậc văn hóa gia đình. Tuổi thơ của anh cũng là sự trốn vào tiềm thức, vẽ cho mình đường bay đầy mộng ảo, đẹp và buồn.
Lễ nghĩa, tình làng xóm, tình thiên nhiên, đi ngang những xúc cảm với kẻ lạ người quen chất đầy bài học của đời sống sinh động... là những điều anh muốn lưu trong các tác phẩm của mình. Lấy cái hay, lấy cái đẹp làm hành trang tâm hồn và hành động cho bản thân ngày một tốt hơn, tích cực hơn, yêu thương đời và người hơn.
Anh chia sẻ, năm học lớp 6, 7, anh học không giỏi môn Văn, viết sai chính tả, thầy cô chê. Vì thế, anh tự học, đam mê, chữ nghĩa từ thư viện, văn chương từ vô tận đã khơi mở cho anh đến với sáng tạo vào những ngày học lớp 8. Từ chương trình Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya, Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM… anh say đắm với Thơ Mới, yêu văn học, rồi mê ca trù, hát chầu văn, hò vè, những hò xự xang líu… Bổng trầm giai điệu của văn hóa dân tộc rồi đến với chữ nghĩa. Sáng tác đầu tay của anh, bài thơ “Hương Xuân” được đọc trong chương trình Văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Với nhà văn Trần Huy Minh Phương, cuộc đời vốn dĩ là khổ: “Mỗi người sẽ có sở trường, sở đoản, sở thích, sở cầu riêng trong sáng tạo. Riêng tôi tâm niệm, mình dọn món ăn ra, mình ăn coi được chưa, vừa miệng, ngon bụng thì hẳn mời người ăn. Ăn trong tâm thế cảm nhận, cảm ơn. Cũng vậy, tôi chọn viết an yên và mong sự an yên ấy đến với tất cả những ai hữu duyên đọc tác phẩm mà tôi viết ra. Tôi còn cần học và trau dồi nhiều hơn trong viết lách, sáng tạo. Tất cả chữ nghĩa chỉ là sự bắt đầu…”.
Trần Huy Minh Phương có thói quen thường viết một mạch, hầu như rất hiếm sửa, đối với thơ và tản văn. Nhưng nhọc nhằn nhất với anh là viết truyện ngắn và nay là tác phẩm đầu tiên có thể loại truyện dài: “Khi viết, tôi sống trong thế giới nhiệm màu đó. Khi rời chúng, tôi sống hiện thực. Cảm giác là những khoảnh khắc đi ngang của đời tôi, nó đến và đi, hãy đón nhận bình thản, chủ động, không bị lôi kéo, chớ để dính mắc chìm trong ấy.
Ở chợ có rất nhiều bài học để mình học hành, nên mình tu chợ. Tâm trí hay nói một cách khác, lời nói, việc làm, suy nghĩ của mỗi cá nhân phải luôn học hỏi, rèn giũa mỗi ngày, sai phải sửa, thất bại chỗ nào thì đứng dậy từ chỗ đó. Chỉ có hành trì điều tốt, điều thiện, phá dần, gọt dần, gỡ dần thói quen xấu dở tệ của bản thân mới làm cho trí sáng lòng trong”.
Khi nghe tiếng chuông mõ tiễn ông nội về với hư không, nghe sự rạn vỡ, sụp đổ của thời tuổi trẻ dại khờ, Trần Huy Minh Phương nhận ra cần rèn luyện tâm trí để có cuộc sống an yên. Anh đã học, đã đi, đã tìm và lột xác tự thân. Đó là cả quá trình.
Để tâm an được, vạn sự an, theo anh, giống như việc lái xe thì nên tuân thủ luật lệ giao thông trên đường mình di chuyển, sử dụng phương tiện lưu thông, chúng ta phải biết chỗ nào chạy nhanh, đoạn nào chạy chậm, khúc cua nào phải quan sát kỹ, chỗ nào ổ gà mà né chứ không thể kêu mấy khúc cua, ổ gà kia sắp ngay hàng thẳng lối cho mình chạy qua: “Nhập gia tùy tục, mọi sự tùy duyên nhưng chớ tùy tiện mà thành tì vết, chấp ngã, khen mình chê người. Ai cũng muốn mình an, vậy đừng làm bất an đến người khác hay vật khác thì mình sẽ an. Một niệm an tất thảy đều an”.
Dự kiến tháng 1/2023, nhà văn Trần Huy Minh Phương sẽ xuất bản truyện dài “Bơi qua mây”. Trong tác phẩm là sự bơi qua cái chân thiện mỹ, bơi qua những chấp ngã, bơi qua những biểu đồ sống và tư duy của nhân vật, của ai đó, bàng bạc mà thật, nhẹ nhàng thôi: “Cần đọc chậm để thấy đâu đó có mỗi chúng ta trong thời tuổi hai mươi, để thấy đâu đó trong chúng ta từng có lãng mạn, thương yêu, khát vọng, tham vọng, si mê và sáng tạo,…”.