Họa sĩ Trần Quang Dũng: An lạc giữa nhộn nhịp phố phường
Với họa sĩ Trần Quang Dũng, chữ “Nhẫn” luôn giúp anh có thể rèn luyện tâm trí để từ đó làm chủ các suy nghĩ, cảm xúc, hành động của mình. Khi làm bất cứ việc gì dù nhỏ nhất, anh luôn luôn từ tâm của mình.
Họa sĩ Trần Quang Dũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Từ nhỏ, anh đã gắn liền với 36 phố phường. Đây cũng chính là cái duyên đưa anh đến hội họa và trở thành sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Trước đây, anh thường vẽ trực họa phong cảnh ngoài thiên nhiên và tại mỗi con phố, để cảm nhận không gian, thời gian, mùi vị, màu sắc và ánh sáng rồi đưa vào tranh. Với anh, sự thay đổi của mỗi mùa trong năm mang lại nguồn sinh lực cho mọi người. Anh muốn giữ lại cảm xúc ấy bằng cách biểu đạt khác, dùng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc và ánh sáng là chủ đạo để tạo nên sự hài hòa. Không diễn tả các hình ảnh cụ thể hữu hình, anh muốn khơi gợi, đánh thức trí tưởng tượng và cảm xúc của người xem một cách bình dị nhất. Thế giới tự nhiên trong tranh anh bắt nguồn từ cảm nhận đó.
Họa sĩ Trần Quang Dũng vừa tổ chức triển lãm cá nhân “Nghiêng sáng” tại TPHCM. Chủ đề chính trong bộ tranh này vẫn là hoa và phố. Anh vẽ tranh tả thực đẹp mà sâu, thường dùng sắc độ chuyển màu để tăng độ ấm cho tranh. Bộ tranh cho triển lãm này, tạm gọi là trừu tượng một cách ấn tượng, nhìn tranh tưởng trừu tượng mà ấn tượng ngay một quang cảnh sắc màu phố và hoa. Đằng sau tất cả, là sự an lạc bên trong, giữa những nhộn nhịp phố phường.
Với anh, hội họa là phương tiện giãi bày, cũng là thư giãn tâm trí hữu hiệu nhất. Hội họa có hai phương tiện chủ đạo: Màu sắc và hình thể. Với triển lãm “Nghiêng sáng”, anh chọn màu sắc là phương tiện chủ đạo. Được cấu thành từ quá trình chiêm nghiệm về màu hữu sắc và màu vô sắc, từ cách dùng ánh sáng để chế định, để đi từ cái nhìn thấy đến cái cảm thấy: “Tôi cho rằng ánh sáng là mối liên kết không gian, thời gian, năng lượng và vật chất. Vì không gian và thời gian là cố định, nên ánh sáng là người đưa tin, di chuyển trong không gian, trong khoảng thời gian nhất định”, họa sĩ Trần Quang Dũng chia sẻ.
Anh cho rằng: “Trường ánh sáng chính là yếu tố quyết định cấu trúc của không gian và thời gian. Nó vô hình, nên tồn tại như sự trừu tượng của trí óc. Tranh của tôi dù vẽ ở bút pháp nào, chủ đề gì thì cũng có sự tươi sáng, lạc quan... Đó là lựa chọn và là quan niệm của tôi. Vì nghệ sĩ không những quan tâm đến hiện thực bên ngoài, mà còn cả thế giới bên trong của tình cảm, tưởng tượng, mơ ước và cả tinh thần. Trong tôi, màu sắc có sức hút về thị giác rất lớn, mắt nhìn thường nhạy cảm với màu hơn với hình, nó tác động mạnh tới tâm lý và cảm xúc của con người. Cũng nhờ có ánh sáng mà mắt chúng ta tiếp nhận được hình dạng và màu sắc của thế giới tự nhiên”.
Nhìn lại quá trình sáng tác, họa sĩ Trần Quang Dũng chia sẻ, anh đã thử nhiều bút pháp khác nhau bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Để lựa chọn đúng với bản thân và gắn bó lâu dài với hội họa bắt nguồn bởi niềm yêu thích từ thời niên thiếu. Anh cũng đã thử nghiệm nhiều bút pháp: “Sự chuyển này cũng là tự nhiên, thay đổi theo từng giai đoạn. Mô phỏng đơn giản những chuyển động biểu hiện của thiên nhiên, hình ảnh chân thực trong hội họa, mời gọi người xem bằng ấn tượng của nó. Những bức tranh trong triển lãm này được tôi sáng tác những năm gần đây, cũng là một quá trình sáng tác của tôi, đó là con đường tôi đang đi và sẽ đi mãi. Có những chặng đường và mỗi chặng đều có sự khác biệt, mới mẻ, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hay khám phá cái đẹp”.
Đối với họa sĩ Trần Quang Dũng, chữ “Nhẫn” luôn giúp anh có thể rèn luyện tâm trí để từ đó làm chủ các suy nghĩ, cảm xúc, hành động. Thú thưởng trà của anh trở thành hương vị quan trọng, tạo cảm hứng để anh sáng tác nghệ thuật: “Khi bạn làm bất cứ việc gì dù nhỏ nhất, luôn luôn từ tâm của mình, sáng tác hội họa cũng vậy. Tôi vẫn đang vẽ và sáng tác để cho điều đó được trọn vẹn”.