Cha tôi là người thầy đầu tiên đưa tôi vào con đường nghệ thuật
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là con gái cả của nhà văn Kim Lân, là chị gái của họa sĩ Thành Chương. Sinh năm 1946, đến nay, bà là một trong những cái tên được nhiều người nhắc tới trong mỹ thuật Việt Nam đương đại. Con đường hội họa của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bắt đầu từ rất sớm, hồi 6 tuổi, khi cùng gia đình sơ tán ở ấp Cầu Đen (Yên Thế, Bắc Giang)…
* Mỗi người thấy sự may mắn của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, riêng tôi luôn nghĩ mình là người may mắn khi từ lúc lọt lòng cho đến khi lớn lên bước chân vào đời tôi đã được sống gần gũi với những người bạn của cha tôi. Người đưa mẹ tôi đến nhà hộ sinh để sinh ra tôi là cha tôi và nhà văn Nguyên Hồng. Người dắt tôi đi thi vào lớp học đầu tiên trong đời là bác Nguyễn Công Hoan.
Những tác phẩm văn học đầu tiên tôi được nghe, được đọc của các nhà văn: Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Phùng Cung, Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần, Ngô Tất Tố… Âm nhạc đầu tiên tôi được nghe là của các bác: Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... Những nét vẽ đầu tiên tôi đứng dòm qua khe cửa xem là của bác Nguyễn Tư Nghiêm, bác Trần Văn Cẩn. Vở kịch đầu tiên tôi được xem bố tôi diễn của bác Hoàng Cầm… Trên quả đồi Cháy ở ấp Cầu Đen (Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang) thời kháng chiến chống Pháp - mà tôi gọi là “Quả đồi Mộng mơ”, cánh cửa đầu tiên mở ra một thế giới ánh sáng của nền văn học nghệ thuật nước nhà mà đứa bé lúc ấy là tôi được sống trong hơi thở đó.
* Cha tôi chính là người thầy đầu tiên đã đưa tôi vào con đường nghệ thuật, ông đã đưa tôi đến học các bác: Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Sỹ Ngọc… Ông là người đã chỉ cho tôi biết con đường nghệ thuật vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng cũng tràn đầy niềm đam mê tự hào trong sáng tạo và lao động nghệ thuật - con đường dũng cảm để đi tìm chính mình, để cống hiến cái riêng của mình trong cái chung.
* Năm tôi lên 6 tuổi, sơ tán ở trên quả đồi Cháy, cha giao cho tôi và em trai Thành Chương có trách nhiệm nuôi 2 con gà. Tôi nuôi con gà mái, Thành Chương nuôi gà trống. Khi dời nơi sơ tán về Thủ đô, tôi rất nhớ quả đồi tuổi thơ của mình. Nơi ấy tôi đã được gặp những văn nghệ sĩ, trí thức lớn của đất nước. Tôi cũng rất nhớ thiên nhiên và bạn bè trên đó. Nhớ đàn gà nữa. Tôi đã vẽ bức tranh tôi đứng trên quả đồi.
Cha tôi hỏi: “Con định đặt tên bức tranh là gì?”, tôi nói tôi lấy tên là “Đàn gà của em”, song tôi lại nói: “Thôi, con lấy tên là “Quả đồi của em”” vì thấy có ý nghĩa hơn. Tôi vẽ tôi đứng trên quả đồi đất đỏ rực, dưới chân là đàn gà. Bức tranh ấy cha tôi gửi đi triển lãm quốc tế và được giải thưởng. Đó là bức tranh đầu tiên tôi vẽ. Thành Chương cũng vẽ con gà trống đầu tiên trong cuộc đời, gửi dự thi quốc tế cũng được giải thưởng. Bắt đầu từ đấy, kể cả tôi lẫn Chương đều theo nghiệp hội họa.
* Hòa bình lập lại cha cho tôi theo các bác về Hà Nội. Sống ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi lại được gặp thêm bao người khác: bác Phan Khôi, bác Nguyễn Sáng, bác Bùi Xuân Phái, bác Dương Bích Liên, bác Nguyễn Xuân Khoát, bác Chế Lan Viên… Suốt cả tuổi thơ của tôi được sống cùng bố trong môi trường thấm đẫm chất văn hóa nghệ thuật của những con người làm nên lịch sử văn hóa của dân tộc như vậy, tôi thật sự là người may mắn, hạnh phúc.
* Tôi thích vẽ chân dung con người từ khi mới bắt đầu học vẽ, tôi thích vẻ đẹp của hình thể con người, vẻ đẹp tâm hồn và những bí mật ẩn chứa bên trong tâm hồn của họ.
* Những bất công và khó khăn tôi gặp phải đã hun đúc cho tôi lòng quyết tâm, vượt qua tất cả, tôi vẫn kiên trì, nghị lực say mê sáng tác không ngừng. Đây là thời kỳ khó khăn nhưng càng khó khăn tôi càng quyết tâm say mê sáng tạo.
* Thời kỳ khó khăn vất vả nhất, chậm lụt nhất đó là lúc tôi xây dựng gia đình - lấy chồng, sinh con, phải hy sinh rất nhiều để dành thời gian chăm lo cho chồng con, làm một người phụ nữ - đàn bà phải tính cơm áo gạo tiền để lo cho gia đình - làm mạch nước ngầm, giỏ giọt tí tách cho dòng chảy không có tận cùng của cuộc đời nghệ thuật của tôi.
* Tôi được biết đến những giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước… Tôi được nhìn thấy các bác, các chú phải gian khó vô cùng để đi qua giai đoạn thăng trầm của những đợt biến động lịch sử của đất nước. Tôi - một cô học trò nhỏ của các bác họa sĩ mà cha tôi nhất quyết đưa tôi đến học, cũng chịu không ít thăng trầm vì điều này.
Đến bây giờ nhìn lại lớp họa sĩ trẻ được tự do tìm tòi sáng tạo, được triển lãm, được mang tranh của mình đi triển lãm khắp nơi trên thế giới - các nghệ sĩ Việt Nam được mở cửa, làn gió nghệ thuật các nơi ùa vào, sáng tác tự do hơn, có nhiều tiền hơn - cũng là một sự thay đổi lớn lao, nhưng cái gì cũng thế, trong luồng gió này cũng có sự phân loại dần, có nhiều họa sĩ tài năng chao đảo vì chạy theo thương mại, chiều ý khách hàng, bán tranh để kiếm tiền, sự tìm tòi sáng tạo đã chạy theo thị hiếu, tranh giả tràn lan.
Sự chao đảo đã kéo dài một thời gian, giờ cũng dần chững lại, các họa sĩ có sự bình tĩnh hơn, không quá chạy theo ý khách để bán lấy tiền nữa - có lẽ đó là tín hiệu đáng mừng. Tranh không bán ào ạt như trước nữa vì khách cũng chững lại không mua những tác phẩm thương mại, vội vàng. Và các họa sĩ cũng bình tĩnh hơn. Tôi nghĩ quy luật tất yếu phải như vậy. Có điều sự quan tâm nghệ thuật của Nhà nước chưa được tốt lắm, gần như các họa sĩ đều tự thân vận động, vẽ gửi gallery tư nhân bán tranh, tự giao dịch đi nước ngoài triển lãm, những tranh mang tính chất dấu ấn của các họa sĩ đã qua các thời kỳ gần như thất thoát ra nước ngoài hết.
* Bây giờ có một số nhà sưu tập Việt Nam hiểu giá trị nghệ thuật và hiểu cả giá trị kinh tế nữa, họ đã ra nước ngoài mua lại tranh về Việt Nam, nhưng gần như chỉ mua tranh của các họa sĩ Đông Dương, các họa sĩ đã chết rồi cho bộ sưu tập của họ - và cũng mua thấp thoáng của một số họa sĩ đang còn sống cũng là điều đáng mừng. Để hiểu giá trị văn hóa, nghệ thuật cũng phải có một quá trình học hỏi hiểu biết nữa.
* Sau một thời kỳ bùng phát các gallery tràn lan bán tranh và chạy theo thị hiếu, chiều khách hàng, sự sáng tạo rập khuôn - khách hàng đã chững lại để bình tĩnh xem xét, các cuộc mua bán tranh chậm lại, các gallery đóng cửa hàng loạt, các họa sĩ cũng dần suy gẫm sâu lắng hơn để xem và tìm lại chính mình. Tôi nghĩ hội họa Việt Nam sẽ đến một thời kỳ phải như vậy. Tôi cho đó là điều tất yếu phải đến.
* Từ khi chưa vào học trường Mỹ thuật, cha tôi đã mang ở thư viện về cho tôi xem những tờ báo “Tiểu thuyết thứ 7” để cho tôi học hỏi các minh họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân, và nhất là của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, cha tôi là học trò của Nguyễn Gia Trí, ông đi theo phụ sơn mài và học họa sĩ Nguyễn Gia Trí luôn.
Cha cho tôi xem các minh họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông nói cho tôi biết minh họa sách báo là thế nào, từng nhân vật, từng tính cách, tầng lớp xã hội trong câu chuyện được Nguyễn Gia Trí vẽ tả ra sao. Tôi đã mê vẽ minh họa từ thuở ấy.
Sau này khi đã được đi học ở trường mỹ thuật, ra trường, tôi ngoài đi làm cán bộ ở tòa soạn báo, vẽ sáng tác tranh, bất kể lúc nào có thể, thì tôi nhận vẽ minh họa cho rất nhiều sách báo, và tạp chí nhiều nhất là vẽ minh họa cho báo Văn nghệ. Tôi làm minh họa lúc đó ở báo Văn nghệ cùng bác Bùi Xuân Phái, bác Văn Cao, Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến rồi làm minh họa vẽ cho thiếu nhi tờ Ngựa Gióng, NXB Kim Đồng, Hà Nội mới, rồi báo chí khắp tỉnh thành từ Lạng Sơn đến Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Đông… gần như vẽ minh họa khắp toàn nơi có báo chí, sách các loại. Tôi đã vẽ minh họa cho các báo chí, tạp chí, sách… từ những năm 1968 - thích nhất là vẽ cho báo Văn nghệ, NXB Kim Đồng, Ngựa Gióng, và tạp chí nơi tôi làm việc ở Trung ương Đoàn.
Tôi cũng thích tìm tòi cho các thể loại minh họa, vẽ cho thiếu nhi, nhi đồng, thanh niên, rồi văn nghệ… Tìm tòi sáng tạo trong thể loại này cũng là một điều rất thú vị, nó là một phần nhỏ như một cành cây trong cái cây lớn - phụ họa tung hứng giúp cho sự sáng tạo thêm phần đa dạng, thăng hoa, và kể cả đến với công chúng nữa.
Thời kỳ đó tôi làm minh họa cho các báo, các fan hâm mộ từ các tỉnh, rồi các cháu thiếu nhi khắp nơi trong nước, đến các chiến sĩ quân đội từ trong chiến trường gửi thư ra khen ngợi - cũng được khích lệ và vui lắm.
* Khi đã làm minh họa cho một bài thơ, một bài báo hay một truyện ngắn thì minh họa phải toát lên được ý tứ nội dung của tác phẩm mà mình minh họa, và tất nhiên là phải đẹp. Tôi thấy bây giờ việc sử dụng minh họa đôi lúc chưa thật đúng với nội dung, nhìn vào chỉ là một bức tranh mà mầu sắc hình khối có thể đẹp, nhưng hình thức chẳng liên quan gì đến nội dung bài viết, chỉ là một bức tranh sắp xếp vào cho đẹp, chứ nói đó là minh họa thì chưa đủ. Minh họa ngoài phải đẹp ra, còn phải toát lên đồng điệu với nội dung của bài viết mới gọi đúng là “Minh họa”.