Người ‘nhạc trưởng’ của gia đình
Qua lời kể đầy cảm xúc, với NSƯT Nguyễn Thị Chiều Xuân - vợ nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (con dâu nhạc sĩ Đỗ Nhuận), chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận - “người khổng lồ” của nền âm nhạc Việt Nam được phác họa thật bình dị với vai trò “nhạc trưởng” của gia đình.
Người nhạc sĩ bình dị
Bắt đầu bằng những câu chuyện giản đơn, NSƯT Chiều Xuân nhớ về những kỷ niệm từ năm 1984, giọng nghẹn đi vì những giọt nước mắt đang xâm lấn ký ức: Nhắc chuyện về bố chồng tôi - nhạc sĩ Đỗ Nhuận, không thể không nhắc đến câu chuyện tình duyên của vợ chồng tôi. Hồi mới quen anh Quân, tôi chỉ biết Đỗ Nhuận là một nhạc sĩ lớn tuổi có nhiều bài hát, nhưng không biết quá nhiều về ông. Một phần là bởi thông tin hồi đó khá ít. Mãi sau này tôi mới biết được rằng ông là người giữ vị trí cao cấp trong ngành âm nhạc.
Lần đầu tiên tôi đến nhà anh Quân, không ngờ ông bà lại là người chân chất, ấm áp như thế. Tôi đến nhà gặp bà Túc (vợ nhạc sĩ Đỗ Nhuận), bà bảo tôi ngồi chơi trong khi tay bà vẫn ôm con mèo trắng. Khoảnh khắc ấy tôi đã thấy thân thiết lắm vì những cử chỉ của bà khiến tôi cảm thấy gần gũi.
Ngay sau đó, một ngày anh Quân thưa với bố mẹ tôi rằng: Bố mẹ cháu sẽ lên thăm cô chú. Thế là ông bà Nhuận Túc mới hẹn rồi đèo nhau lên nhà tôi. Biết có khách sắp đến, bố mẹ tôi dọn dẹp nhà cửa, pha một ấm trà đợi “thông gia tương lai”. Tôi vốn tính nhút nhát nên chạy xuống dưới bếp, một lúc sau thì thấy ầm ầm tiếng nói của ông Nhuận gọi từ ngoài cổng: “Ông Đọc ơi! Ông Đọc ơi!”. Tay ông Nhuận xách một cái bình tông bia, một bên là ít lạc luộc, cất tiếng: “Ông Đọc ơi tôi đã qua Ba Đình mua bia rồi đây, lên đây tôi với ông uống”.
Hai ông bà Nhuận Túc chân chất, thật thà nên chỉ cần một buổi ghé thăm hôm đó mà bố mẹ tôi đã bị thuyết phục. Sau đó anh Quân lên nhà chơi rồi chúng tôi đến với nhau rất nhanh, ngoài việc hai người rất yêu nhau, cần nhau thì sau những lần tiếp xúc với bố mẹ chồng, tôi thấy dường như cả thế giới đã ở đây...
Khi tôi về làm dâu, hồi đó nhà được phân thêm một căn nữa ở Thanh Xuân. Ông Nhuận bảo để căn đó làm nơi ông sáng tác. Hằng ngày ông đi tàu điện đến Thanh Xuân, tay ông cầm theo một chiếc túi vải bạt ni lông, nhìn vậy thì ai biết đâu ông là một nhạc sĩ nổi tiếng. Ông là người rất giản dị trong cuộc sống. Nhưng cái gì giản dị được thì ông sẽ giản dị, cái gì cần chi tiết thì ông cực kỳ chăm chút. Bữa ăn trong gia đình, vợ nấu món gì, hỏi ông, ông đều khen: “Món ngon lắm!” khiến bà luôn hài lòng. Tuy vậy, ông không phải là người khách sáo. Nếu có điều ông không thích hoặc không hài lòng thì ông cũng nói luôn.
Ông có nhiều bạn, bạn bè quý ông lắm, lúc nào ông cũng có người này người kia tiếp đón. Còn với hàng xóm ông sống gắn bó nên ai cũng quý ông, cứ một điều ông Nhuận, hai điều ông Nhuận.
Về sống với gia đình nhà chồng cũng là thời điểm tôi mang bầu bé Mi (con gái cả của NSƯT Chiều Xuân). Khi ấy mới 20 tuổi nên tôi vẫn còn trẻ con, bầu bí mà lại cứ thích hát hò. Ngày ấy phải xách nước từ nhà dưới lên nhà trên mà tôi thì cứ đi lên đi xuống lại hát. Mẹ Túc sợ tôi mệt nên bà mắng: “Thôi đã xách nước thì hát ít thôi cho đỡ mệt, hát ầm ĩ lên nhức cả đầu”. Thế mà bố lại bênh tôi, ông bảo: “Thôi mặc kệ nó, để cho nó hát, hát cho vui”. Vậy mới thấy ông là một người rất chan hòa, bao dung và thương con cái.
Khi tôi sinh bé Mi, hai vợ chồng vẫn ở cùng với ông bà. Trong căn nhà 36m2, bên cạnh là cháu khóc, đồ đạc tã lót trẻ sơ sinh đầy trong nhà, ấy vậy mà ông vẫn ngồi cạnh chiếc đàn piano, sáng tác nhạc mà không kêu ca một lời. Đến lúc bé Mi được 6 tháng thì ông bị tai biến rất nặng, ông nằm trong viện một đợt rất dài và phần lớn thời gian là bà chăm ông.
Hồi đấy vợ chồng tôi cũng bàn nhau xin một phòng ở Nhà hát nhạc vũ kịch, thế là vợ chồng con cái bế nhau tự lo lấy bản thân, rảnh một chút lại chạy qua viện đỡ đần bà. Đợt đầu ông nằm trong bệnh viện khá lâu, khi về, đầu tiên nhìn thấy mặt tôi ông vội hỏi: “Con Mi nó đâu? Con Mi nó như thế nào?”. Ông Nhuận quý cháu, yêu thương cháu lắm, ông yếu rồi mà vẫn muốn bế bé Mi một chút, đặt cháu lên đùi ôm để cảm nhận tình cảm ruột thịt. Ông bị tai biến nhiều lần nhưng khi tỉnh lúc nào ông cũng hỏi thăm bé Mi. Thế là có cái gì Mi cũng để phần ông. Khi được bà tặng cho chiếc khăn mùi xoa Mi cũng mang biếu ông. Những đợt tai biến sau này, lúc nằm ngủ nhiều khi mê man, ông lại lấy khăn mùi xoa của cháu dấp nước che lên miệng cho đỡ khô, ông vẫn giữ chiếc khăn ấy cho đến những ngày cuối cùng...
Cuộc sống của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là âm nhạc
Tiếp nối kỷ niệm từ những năm đầu về làm dâu, trong miền nhớ, NSƯT Chiều Xuân tiếp tục kể về những câu chuyện của người nhạc sĩ với những nốt nhạc, những bài hát mà ông yêu. Bắt đầu từ câu chuyện về những chương trình âm nhạc của chồng:
Sống với cha từ nhỏ nhưng chồng tôi và nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại rất ít khi trò chuyện. Hồi đó anh Quân đã rất giỏi từ việc chỉ huy dàn nhạc, sáng tác, làm đủ thứ mà bố thì cứ ngồi ngóng con. Những chương trình chồng tôi dàn dựng mời ông đi xem, khi về cũng chỉ nói được vài câu. Thế là anh Quân mới xui tôi là: “Em hỏi cha xem cha có nhận xét gì về chương trình của anh?”. Tôi mang tâm tư của chồng đi hỏi, ông bảo: “Ừ được đấy, chương trình tốt!”. Cả tôi và chồng đều biết với ông khi ông nói “được đấy” thì có nghĩa là rất tốt. Thỉnh thoảng ông lại nói nhỏ với tôi, bảo rằng: “Con nhắc Quân làm nghệ thuật là phải vừa hồng vừa chuyên”. Vừa hồng vừa chuyên tức là chuyên môn phải tốt và tất cả tư tưởng lập trường đều phải tốt. Đừng bao giờ kiêu ngạo bởi vì chặng đường công việc và sáng tác còn dài.
Cuộc sống của ông là âm nhạc. Cả cuộc đời ông dành cho âm nhạc. Lúc nào tôi cũng thấy ông ngồi viết, ông đập nhịp, ông đang nghĩ một điều gì đó. Năm 1988, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn viết một bài hát về bóng đá đưa cho mọi người hát. Sau đó ông bị tai biến lần 2, nhưng khi tỉnh dậy ông lại tiếp tục viết.. Ông nằm trong viện, hồi sức một tí là ông đòi giấy bút để viết. Tay phải bị liệt thì ông viết bằng tay trái. Lúc đầu không biết là ông viết những gì vì ông viết không ra chữ. Sau đấy khi viết thạo tay trái, ông sáng tác nhiều hơn nữa những bài hát để cảm ơn những bác sĩ tận tâm ở bệnh viện đã chăm sóc ông. Trong cuộc sống của ông chỉ có âm nhạc và âm nhạc, nói chuyện gì ông cũng xoay quanh âm nhạc.
Âm nhạc của ông là những bản nhạc thấm đẫm chất Việt Nam, thấm đẫm tinh thần dân tộc. Càng nghe càng thấy thương mến, càng thấy yêu thương. Mỗi khi đất nước có những chương trình nghệ thuật lớn, giai điệu “Việt Nam quê hương tôi” lại vang lên khiến gia đình tôi cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc vô cùng.
Dần dần tôi mới hiểu được ông là một người tài giỏi thế nào. Với những vở Opera như: “Cô Sao”, “Người tạc tượng”… ông là người đặt nền móng đầu tiên cho Opera Việt Nam, một thể loại âm nhạc mà những thanh âm của nó càng nghe theo thời gian tôi càng thấu hiểu, càng mê đắm. Với kho tàng âm nhạc của ông cũng vậy, càng nghe tôi lại càng phải nghĩ tại sao ông có thể sáng tác nhiều bài hát hay như thế. Những bài hát thấm đẫm tình cảm và mang đậm chất dân tộc Việt Nam.
Giờ chúng tôi đã lớn tuổi, cuộc sống đề huề hơn thì bản thân chúng tôi lại càng nhớ bố mẹ. Những kỷ niệm nhắc lại vẫn làm cho tôi khóc. Có những điều vô lý nhưng tôi vẫn nghĩ, giá như bây giờ bố mẹ còn sống thì tôi sẽ chăm sóc bố mẹ tốt hơn, vì có điều kiện kinh tế hơn, nhà cửa rộng rãi hơn. Nhưng làm sao quay trở lại được ngày xưa, những người đã mất đi chỉ có thể để trong lòng người ở lại niềm thương nhớ.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông - nhạc sĩ Đỗ Nhuận, chúng tôi những người thân của ông lại càng nhớ và biết ơn ông, người “nhạc trưởng” của gia đình và người nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam.