‘Làng ta’ làm kèn Tây

TRẦN DUY HƯNG 25/12/2022 09:01

Ở Nam Định người chơi được kèn Tây không hiếm. Hầu hết các giáo xứ, giáo họ ở tỉnh có đến 25% dân số theo đạo Công giáo này đều có hội kèn, mỗi hội có từ vài chục đến cả trăm người. Nhưng vừa chơi được kèn vừa làm ra được những chiếc kèn đồng vốn có xuất xứ từ phương Tây thì chỉ có người dân xứ đạo Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu)…

Cha con ông Nguyễn Văn Cường được biết đến là những nghệ nhân làm kèn, chơi kèn tài hoa ở xứ đạo Phạm Pháo.

Noel cận kề, nên cơ sở sản xuất, sửa chữa, kinh doanh nhạc cụ kèn đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở giáo xứ Phạm Pháo khá bận rộn. Khi tôi bước lên tầng hai của cơ sở (khu làng nghề 1 của xã Hải Minh) thấy cả nhà, từ vợ chồng ông Đông đến vợ chồng cậu con trai út đang mỗi người mỗi việc, người lo sửa chữa, người lo lau dọn, người lo tiếp khách.

Cả tầng rộng đến 500m2 bày la liệt các loại kèn đồng, be bé cầm gọn trong lòng bàn tay cũng có, to như một con trăn, ngoằn ngoèo, cổ quái, miệng loa rộng đến 50-60cm, che hết người cầm thổi cũng có, với những cái tên nghe rất “Tây” như: Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto Saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas, Helicon…

Khi biết khách là tôi đến không phải để mua kèn, cũng không phải để sửa chữa kèn mà chỉ để “hỏi chuyện về kèn” cả nhà vẫn hồ hởi, thân tình dừng tay tiếp chuyện. “Ăn” một điếu thuốc lào, chiêu một ngụm trà, ông Đông nay đã 67 tuổi, kể cho tôi về lịch sử xứ đạo Phạm Pháo của mình trước khi nói về những chiếc kèn đồng, vốn là nhạc cụ đặc trưng, gắn liền, không thể thiếu trong các nghi lễ của những người Công giáo mà ông và những người thân đã và đang miệt mài làm ra.

Như lời ông Đông thì giáo xứ Phạm Pháo có lịch sử hình thành đã gần 500 năm, là một trong 3 địa điểm đầu tiên đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam. Dẫn lời cuốn sách "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục" được soạn dưới triều Nguyễn, ông cho biết xã Quần Anh - xã đầu tiên hình thành nên huyện ven biển Hải Hậu ngày nay - được thành lập năm 1511.

Đến năm 1533, một giáo sĩ là I-Nê-Khu đã tới 3 vùng đất ở Nam Định ngày nay để truyền đạo, đó là Ninh Cường (huyện Trực Ninh ngày nay), Trà Lũ (Bùi Chu - Xuân Trường ngày nay) và Quần Anh (huyện Hải Hậu ngày nay).

Thời điểm đó, ở Quần Anh có hai dải đất bồi hình khẩu pháo, được gọi là làng Pháo Đông và làng Pháo Tây. 15 hộ dân ở làng Pháo Tây sau đó đã theo đạo Công giáo. Do người làng đều là người họ Phạm (1 trong 4 dòng họ đầu tiên đến khai khẩn vùng đất là huyện Hải Hậu ngày nay) nên khi dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên họ đặt tên là nhà nguyện Phạm Pháo, đổi luôn tên làng thành làng Phạm Pháo.

Trải qua gần 500 năm hình thành, Phạm Pháo ngày nay là một xứ đạo đông đúc thuộc địa bàn xã Hải Minh, với cả chục giáo họ. Mới đây, một số giáo họ thuộc xứ Phạm Pháo đã phát triển, nâng cấp thành các giáo xứ mới như: Trại Đáy, Tân Bồi, Nam Hòa…

Trở lại với nghề làm kèn đồng ở Phạm Pháo, ông Đông “đính chính” rằng nhiều người ở bên ngoài do tìm hiểu không kỹ nên hay nói rằng ở Phạm Pháo cả làng cùng làm kèn đồng nhưng không phải thế. Nghề chính của người dân ở đây là sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, đồ đồng và cả đồng hồ cổ cùng nhiều dịch vụ khác. Thực tế từ xưa đến nay ở Phạm Pháo chỉ có gia đình 3 anh em ruột của ông là Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phương nối nghiệp cha làm kèn đồng, ngoài ra còn có gia đình một người em con chú ruột của ông là Nguyễn Văn Hưởng cùng làm.

Ông Nguyễn Văn Đông bên những chiếc kèn đồng do mình chế tác.

Theo ông Đông, việc làm nghề của cha ông, cụ Nguyễn Văn Biên xa xưa xuất phát từ cái sự “cái khó ló cái khôn”. Nghĩa là, chiếc kèn đồng, tiếng kèn đồng rất quan trọng, cần thiết trong các nghi lễ của nhà thờ nhưng ở thời của cha ông kèn đồng rất hiếm, những chiếc kèn từ thời Pháp để lại dần bị hỏng hóc. Là người thông minh, sáng dạ nên từ thời trai trẻ, dù đang là Trưởng ban Y tế của xã cụ Biên vẫn mày mò học hỏi để có thể tự sửa chữa những chiếc kèn đồng để có nhạc cụ phục vụ các sinh hoạt của nhà thờ.

Đến khi kèn cũ cũng không còn để mà sửa cụ tìm đường lên tận Hà Nội, lọ mọ đến các đơn vị nghệ thuật, chầu trực tìm mua những chiếc kèn thải loại mang về xứ đạo. Không dừng ở việc sửa chữa, sưu tầm, cụ Biên còn dần dần mày mò tự làm ra được những chiếc kèn đồng từ các mẫu kèn do người Pháp đưa sang, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và trong bối cảnh khó khăn, khan hiếm vật liệu đồng.

Có một người cha như vậy nên từ bé, 3 trong 4 anh em ông Đông đã thông thạo về kèn đồng, không chỉ chơi mà còn tự làm được kèn (riêng người anh cả Nguyễn Văn Lai theo nghề đắp tượng, trang trí hoa văn nhà thờ, nổi tiếng tài hoa khắp Giáo phận Bùi Chu). “9 - 10 tuổi anh em tôi đã biết phụ bố làm kèn, 19 - 20 tuổi chúng tôi đã tự làm được hoàn chỉnh một chiếc kèn, đủ loại, từ Clarinet đến Saxophones, Trumpet. Đến giờ các cháu nội của cha tôi cũng đang tiếp nối ông, tiếp nối bố làm kèn”, ông Đông tự hào.

Nhìn hàng chục loại kèn đồng to, nhỏ khác nhau trong nhà ông Đông, cái nào cũng cầu kỳ, tinh xảo, sang trọng, sáng rực màu đồng với rất nhiều chi tiết, nút, lẫy phức tạp; vào tay người biết chơi sẽ cất lên những âm thanh khi hùng tráng, khi du dương, ngọt ngào tôi thật sự kinh ngạc khi người làm ra chúng lại chính là những con người mộc mạc, chân chất đang ngồi trước mặt mình, ngay giữa một làng quê xứ đạo, nơi làm ra cũng chính là không gian sinh sống của gia đình và chỉ bằng những dụng cụ rất thô sơ.

Lạ nhất là trong bữa cơm trưa, bà Đông, người vốn quen với công việc trồng rau, làm cây cảnh, làm long nhãn, bếp núc và làm mẹ của 10 người con lớn bé chia sẻ rằng: “Lâu nay công việc nhiều nên tôi cũng phải phụ giúp ông nhà tôi làm kèn. Ông ấy lo các chi tiết, công đoạn liên quan đến âm thanh còn tôi lo khâu uốn hình, tạo thế, hàn khớp mối, đánh bóng. Việc gì chưa rành, chưa thạo ông ấy dạy tôi, dần dần đều làm được”. Ở Hải Minh, nhiều phụ nữ nông dân khác lâu nay cũng có thêm việc làm, thu nhập tại các cơ sở làm kèn của con cháu cụ Biên.

Cùng ông Đông tham quan các xứ, họ đạo trên địa bàn xã Hải Minh mới hay hiếm có làng quê, xứ đạo nào văn minh, giàu có, sầm uất như ở đây. Nhà cửa toàn cao tầng, biệt thự, không hiếm những ngôi nhà được thiết kế như lâu đài. Nhà thờ xứ Phạm Pháo, nhà thờ xứ Trại Đáy thật sự là những kiệt tác về kiến trúc, tinh tế từ từng đường nét hoa văn nhỏ, nhà thờ xứ Tân Bồi mới được khánh thành chưa lâu thực sự đồ sộ về quy mô…

Giỏi làm kinh tế, giàu có nhưng những con người nơi đây, từ “đại gia” cho đến những người lao động bình thường lại rất chân chất, mộc mạc, khiêm nhường, đặc biệt rất yêu âm nhạc. Trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Khoát, người chuyên lo việc tổ chức, điều hành kiêm chỉ huy các đội nhạc kèn ở địa phương mới hay nhiều người dân các xứ đạo ở Hải Minh, cả nam lẫn nữ từ bé đã biết thổi kèn đồng, đánh trống, đánh trắc, chơi nhạc dây.

Từ trước năm 1945 xứ đạo Phạm Pháo đã có đội kèn đồng. Hiện tại cả xã có hơn 10 hội kèn, mỗi hội có từ vài chục đến cả trăm người, với khoảng trên 1.000 cây kèn các loại. Mỗi khi xứ đạo cử hành lễ trọng các đội kèn, đội trống, đội trắc, nhạc dây, bát âm lại tập trung hòa tấu, với cả nghìn nhạc công tham gia, thực sự là lễ hội về âm nhạc.

“Tôi chưa đi nước ngoài nhiều nhưng với một dàn nhạc có cả nghìn người chơi như vậy có lẽ thế giới cũng hiếm có”, ông Khoát nhìn nhận. Không chỉ vang lên trong khuôn viên nhà thờ, tiếng kèn đồng của người Phạm Pháo lâu nay còn vang lên, hòa điệu trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội ở trong và ngoài tỉnh Nam Định.

Năm 2017, tham gia Đại hội nhạc kèn toàn quốc, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, 4 tiết mục của các nhạc công kèn đến từ xứ đạo Trại Đáy, Phạm Pháo, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Xuân Khoát đã đoạt giải A, sánh ngang cùng nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Tất cả cùng nói lên sự giỏi giang, tài hoa, đặc biệt là đời sống văn hóa, tinh thần rất đỗi lành mạnh, phong phú của người dân xứ đạo này.

TRẦN DUY HƯNG