Cảm nhận Bạc Liêu
Vùng đất Bạc Liêu có nhiều di tích ghi dấu những sự kiện từ ngày đầu khẩn hoang mở đất. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng Bạc Liêu.
Vùng đất đặc sắc
Chuyến đi Bạc Liêu của chúng tôi khởi nguồn từ ý tưởng kết hợp giữa Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bạc Liêu, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh và Hội Điện ảnh Việt Nam. Có lẽ vì ý tưởng liên kết như vậy nên Trại sáng tác điện ảnh được tổ chức tại Bạc Liêu. Không giống những trại sáng tác văn học nghệ thuật khác, Trại sáng tác Điện ảnh Bạc Liêu – 2022 không bố trí cho các trại viên ở trong trại để sáng tác mà hàng ngày tổ chức đưa trại viên đi cơ sở. Việc đi thực tế ở cơ sở vừa đem lại cho trại viên sự hứng khởi bởi những khám phá mới mẻ mà vừa từ thực tế đó để trại viên cảm nhận để sáng tác.
Còn nhớ, hôm khai mạc Trại diễn ra ở trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh, NSƯT Đỗ Ngọc Ẩn - Chủ tịch Hội đã nói: “Hiện đồng bằng sông Cửu Long có 43 điểm du lịch tiêu biểu thì Bạc Liêu có tới 10 điểm”. Nghe ông Ẩn nói vậy tôi đã hình dung ra một Bạc Liêu với tiềm năng du lịch dồi dào. Trước hết, phải kể đến Di tích cấp quốc gia Tháp cổ Vĩnh Hưng. Di tích này nằm cách thành phố Bạc Liêu khoảng 20 km về hướng Tây Bắc, thuộc ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có niên đại 892 sau Công nguyên. Những cổ vật được phát hiện nơi này đã "kể lại" những ngày vàng son của nền văn hóa Óc Eo một thời. Chúng tôi đã tới tháp Vĩnh Hưng, một ngôi tháp Chăm cổ còn tồn tại ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Phòng trưng bày những hiện vật cổ được phát hiện khá phong phú nhưng tôi đặc biệt thích thù với bàn tán thuốc và cối giã thuốc. Nhìn thoạt qua đã thấy những công cụ này tuy chế tác bằng đá từ hàng mấy năm trước nhưng hình dáng và công dụng giống hệt những thuyền tán thuốc bắc hay cối giã thuốc bằng đồng ở các cơ sở sản xuất thuốc nam thuốc bắc hiện nay. Điều đó chứng tỏ người Chăm khi xưa đã biết tận dụng nguồn thuốc thảo dược sẵn có ở địa phương và công thức bào chế cũng đã sát gần với cách bào chế hiện nay.
Như được giới thiệu, Bạc Liêu có 3 dân tộc là Kinh, Khmer và Hoa cùng sinh sống. Tuy trong hiện tại 3 dân tộc này cùng chung sống đoàn kết nhưng những nét văn hóa riêng vẫn được bà con gìn giữ. Thật may mắn, hôm chúng tôi vừa tới Bạc Liêu thì được các anh chị ở Sở Liên hiệp văn học nghệ thuật và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật mời đi dự khai mạc Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer. Liên hoan diễn ra tại chùa Xiêm Cán (TP Bạc Liêu), một ngôi chùa Khmer vào loại lớn nhất miền Tây Nam bộ với những công trình cũ mới.
Điều làm tôi thực sự tâm đắc là cũng như các chùa của người Khmer Nam bộ, chùa Xiêm Cán là nơi thờ Phật đồng thời cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Khmer. Nghệ nhân Lâm Minh Tuồng, cán bộ của Hội ghé tai tôi cho biết: “Người Khmer có quan niệm rằng: Dù nhà ở còn nhỏ bé hay thiếu thốn đến đâu thì bà con Khmer vẫn dành sức lực và vật chất để xây dựng chùa. Đối với bà con, chùa không chỉ là nơi đến đây thờ Phật mà bà con đến đây để chung vui và giúp đỡ lẫn nhau”.
Tôi bước lên những bậc cầu thang gỗ để vào ngôi chùa cũ, chùa làm bằng gỗ, gian chính giữa là ban thờ Phật, không giống các ban thờ Phật trong chùa ở miền Bắc, ban thờ Phật trong chùa Khmer khá khiêm tốn và không có nhiều lớp, do đó không gian trong chùa khá rộng rãi, gian chính được ngăn cách với gian phụ ở hai bên cánh bởi những hàng cột, ở gian phụ này có những dãy bàn ghế.
Ông Tuồng chỉ tay nói thêm: “Chỗ đó là nơi dành cho các cháu nhỏ học bài. Lớp học tổ chức miễn phí cho những người chưa biết chữ hoặc các cháu nhỏ cần học thêm”. Tôi nhìn lên tấm bảng trước mặt thấy đó bên cạnh những dòng chữ Việt là chữ Khmer. Ông Tuồng cho hay: “Người Khmer luôn giữ gìn văn hóa và chữ viết của dân tộc mình”.
Tranh thủ giữa hai màn trình thi, tôi ghé thăm chùa chính ở phía sau sân khấu. Cũng như chùa cũ bằng gỗ, chùa chính rất rộng và thoáng, nhìn tựa như một hội trường lớn không sắp đặt bàn ghế, ở trong chùa các thí sinh của các đội đang tranh thủ ôn luyện những điệu múa của đội mình.
Tôi thấy lạ bèn hỏi ông Tuồng, ông Tuồng cười: “Chùa là nơi sinh hoạt cộng đồng nên mọi người đều có thể tận dụng không gian để tụ hội, múa hát và để trú tránh trong những ngày mưa lũ hay khi nhà cửa bị đổ sập”. Rồi ông Tuồng chỉ tay sang hai bên, tôi thấy ở đó có nền được nâng cao hơn nền chính, trên nền cao đó có những chiếc chiếu được trải sẵn dành cho người dân đến đây trú ngụ khi cơ nhỡ.
Phần dự thi Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer lại thêm lý thú bởi tham dự Liên hoan là các đội nhạc ngũ âm và múa từ các CLB, cái hay là những CLB này lại “nằm” trong các chùa. Ở đây, chùa của người Khmer cũng là nơi để người dân lui tới học tập, múa hát và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu – 2022 có tới 8 đội của 8 CLB của 8 chùa.
Nghe câu vọng cổ
Về Bạc Liêu lần này chúng tôi lại thêm một lần gặp may. Liên hoan đờn ca tài tử năm 2022 được diễn ra ngay tại Khu lưu niệm đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cũng như các CLB nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer, các CLB đờn ca tài tử ở Bạc Liêu đều hình thành và hoạt động ngay trong lòng nhân dân.
Có lẽ tính rộng khắp như vậy nên cho dù ở Khu lưu niêm đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hay trong khán phòng Nhà hát Cao Văn Lầu và ở từng thôn ấp, đi đâu chúng tôi cũng được thưởng thức những bài ca vọng cổ nổi tiếng và những câu ca vọng cổ được người dân ứng tác. Có thể nói rằng: “Người Nam bộ nói chung, người Bạc Liêu nói riêng dường như ai cũng biết ca vọng cổ, dường như ai cũng biết đánh đờn”.
Bữa chúng tôi tới thăm vườn chim của vợ chồng ông Sáu Sĩ, ở ấp Lập Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải. Sau khi được ngồi trên bè dạo môt vòng trong vườn chim tự nhiên thì chúng tôi được chủ nhà “đãi” một “chầu” đờn ca tài tử. Tài tử đờn và tài tử ca đều là người dân trong ấp nhưng ngón đờn và câu ca thì nghe thật ngọt, thật mùi. Bà Út Kiềm, nguyên là Bí thư Đảng uỷ xã và giờ là Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử của huyện Đông Hải đứng lên say sưa hát, câu hát của bà đã lôi kéo ông chủ vườn chim Sáu Sĩ hoà giọng hát theo. Chầu hát lẽ còn kéo dài tới đêm nếu như chúng tôi không vội trở lại thành phố.
Ông Đỗ Ngọc Ẩn nói vui: “Người dân sông nước miền Tây và người dân Bạc Liêu chúng tôi chẳng có gì ngoài đờn và ca”. Câu nói vui ấy đã cho thấy người dân sông nước miền Tây nói chung và người dân Bạc Liêu chẳng những có đời sống văn hoá tinh thần sâu rộng mà còn nói lên bản tính hiền hòa, tấm lòng rộng mở, tính tình bao dung của bà con. Người dân sau những ngày lao động cần cù, lao động vất vả là trở về với lời ca tiếng đàn. Chính những lời ca và tiếng đàn đã giúp người dân vượt qua khó khăn, vượt qua chiến tranh giặc dã. Lời ca tiếng đàn ở đâu đó chính là thứ “vũ khí” để họ chiến thắng bạo tàn, là “báu vật” để họ nâng niu và truyền giữ.
Thật đúng như câu hát trong bài “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người được coi là người “mở ra” những câu vọng cổ say đắm lòng người, mê mẩn hồn người. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã ngân lên: “Đường dầu xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/ Đêm luống trông tin chàng/ Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/ Vọng phu – vọng luống trông tin chàng/ Lòng xin chớ phũ phàng”.