‘Cơn thịnh nộ’ của lòng đất

PHAN QUANG VŨ 27/12/2022 08:18

Ngày 21/11/2022 là ngày đau buồn của thị trấn Cianjur (tỉnh Tây Java, Indonesia) khi trận động đất 5,6 độ Richter đã cướp đi sinh mạng 268 người. Ông Suharyanto - lãnh đạo cơ quan thiên tai quốc gia Indonesia cho biết, trận động đất có cường độ không lớn nhưng thiệt hại lại quá nặng nề.

Khung cảnh tan hoang sau trận động đất năm 2010 tại Haiti.

Cùng với 268 người chết thì có 151 người mất tích, hơn 1.000 người bị thương, 3.000 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, 13.000 người buộc phải sơ tán khẩn cấp. Theo ông Henri Alfiandi - người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia, hầu hết những nạn nhân thương vong là trẻ em, vì động đất xảy ra lúc 13 giờ lúc các em vẫn còn ở trường. Một lần nữa động đất lại ám ảnh không chỉ đối với người Indonesia mà còn với tất cả các quốc gia trong Vành đai lửa Thái Bình dương.

Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, ngay trong ngày thị trấn Cianjur gặp thảm họa đã bay tới hiện trường trực tiếp chỉ đạo lực lượng cứu hộ. Các nỗ lực cứu hộ rất khó khăn do mất điện ở một số khu vực xung quanh và hơn 100 cơn dư chấn liên tiếp sau trận động đất. Indonesia nằm giữa Vành đai lửa Thái Bình dương, nơi các mảng kiến tạo khác nhau trên vỏ Trái Đất gặp nhau. Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra ở miền bắc nước này đã gây ra một cơn sóng thần ập vào 14 quốc gia, khiến 226.000 người thiệt mạng.

“Hẹn gặp con ở thiên đường”

Thống đốc tỉnh Tây Java, ông Ridwan Kamil cho biết, do trận động đất xảy ra trong giờ học nên nhiều đứa trẻ đã bị vùi lấp.

Rahman, 31 tuổi, một người bố mất con, không kìm được nước mắt khi nhân viên y tế bế cô con gái 8 tuổi Ina của anh lên xe cứu thương. “Con gái đáng thương của tôi”, anh kêu lên, nhìn chằm chằm vào tấm vải liệm trắng nhuốm máu bao phủ thi thể thể bất động của Ina. “Hẹn gặp con ở thiên đường nhé" - người bố thốt lên rồi bám chặt xe cứu thương không muốn rời xa con mình. Rahman cùng những bậc phụ huynh khác đưa những đứa trẻ xấu số đến nghĩa trang trong tâm trạng đau buồn.

Theo Channel NewsAsia, con gái của Rahman là một trong số 268 người thiệt mạng trong trận động đất. Lilies Suharyati, bà nội trợ 30 tuổi cho biết khi trận động đất xảy ra, những gì cô có thể nghĩ là hai đứa con trai đang theo học tại trường. “Tôi rời khỏi nhà ngay lập tức và chạy thẳng đến trường học của chúng. Ngôi trường sụp đổ. Tôi nhìn thấy những chiếc mũ của học sinh vẫn còn treo trên một bức tường của lớp học và có một chiếc cốc nước uống dở trên bàn giáo viên” - chị Lilies nói.

Trong ngày 21 và 22/11, Bệnh viện Công cộng Sayang ở Cianjur chật kín người, trong đó có rất nhiều những đứa trẻ trên mình đầy thương tích, còn ngoài sân bệnh viện là những ông bố bà mẹ gào khóc. Bệnh viện đã phải dựng lều tạm trên bãi đậu xe để điều trị cho bệnh nhân. Những con đường dẫn đến bệnh viện không ngừng vang lên tiếng còi của những chiếc xe cấp cứu liên tục đến và đi.

Vì sao với một trận động đất cường độ không quá lớn (5,6 độ Richter) đã mang tới nhiều tai họa đến vậy? Bà Dwikorita Karnawati - Giám đốc Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia cho biết trận động đất đã làm tăng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét, đặc biệt là trong thời điểm mùa mưa. Trận động đất đã khiến đất bở ra và khi kết hợp với mưa lớn có thể gây ra sạt lở đất, lũ quét. Nền đất yếu đã khiến thảm họa thêm nặng nề.

Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, trong năm 2020, nước này đã phải hứng chịu tới 8.264 trận động đất. Ông Daryono - Trưởng phòng Giảm nhẹ động đất và sóng thần của cơ quan này khi đó cho biết, con số kể trên đã giảm so với 2 năm trước. Cụ thể, năm 2019 Indonesia trải qua 11.515 trận động đất và năm 2018 con số đó là 11.920.

Để đối phó với thảm họa này, Indonesia đã xây dựng nhiều công trình chống động đất và giáo dục người dân cách sống sót sau động đất. Trong 2 năm 2019 và 2020, Indonesia cũng đã lắp đặt thêm 233 trạm giám sát động đất. Tổng cộng trên toàn Indonesia hiện có 441 trạm quan sát cảnh báo sớm các trận động đất.

Vành đai lửa Thái Bình dương. Nguồn: Wikipedia.

Vành đai lửa - Vành đai địa chấn Thái Bình dương

Vành đai lửa Thái Bình dương là khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình dương. Nó có hình dạng tương tự vành móng ngựa và dài khoảng 40.000 km; gắn liền với một dãy liên tục các rãnh đại dương, vòng cung quần đảo, các dãy núi lửa và sự chuyển động của các mảng kiến tạo.

Người ta còn gọi Vành đai lửa này là Vành đai địa chấn. Khoảng 71% các trận động đất có cường độ mạnh nhất thế giới diễn ra tại vành đai này.

Theo giới khoa học địa chất, Vành đai lửa Thái Bình dương là hệ quả trực tiếp của các hoạt động kiến tạo địa tầng và của sự chuyển động và va chạm của các mảng lớp vỏ Trái Đất. Trong khu vực vành đai này, cuộc sống của người dân Indonesia, Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Australia và New Zealand, Papua New Guinea... gần như bị đe dọa thường xuyên. Ngoài ra, các quốc đảo như quần đảo Solomon, Fiji và nhiều quốc gia khác như Melanesia, Micronesia... và Polynesia cũng luôn sống trong sợ hãi.

Sở dĩ có nhiều trận động đất trong vành đai này là do nhiều núi lửa hình thành thông qua quá trình hút chìm của hành tinh. Sự hút chìm xảy ra khi các mảng kiến tạo dịch chuyển và khi một mảng bị đẩy xuống dưới một mảng khác. Hiện tượng chuyển động này của đáy đại dương tạo ra sự biến đổi khoáng chất, dẫn đến sự tan chảy, đông đặc của magma và núi lửa hình thành.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất tồi tệ nhất trong Vành đai lửa Thái Bình dương xảy ra ở Chile vào ngày 22/5/1960, với cường độ 9,5 độ Richter. Sau đó là trận động đất ở Alaska năm 1964 (9,2 độ Richter). Trận động đất Bắc Sumatra, còn được gọi là sóng thần Ấn Độ dương vào ngày 26/12/2004 (9,1 độ Richter) và trận ngoài khơi bờ biển phía đông của Honshu (Nhật Bản) vào ngày 11/3/2011 (9 độ Richter), dẫn đến sóng thần và cuối cùng là thảm họa hạt nhân tại Fukushima.

Thật đáng sợ khi biết được hoạt động cấu tạo nên núi lửa nhưng các nhà khoa học lại không thể dự đoán được các trận động đất trong Vành đai địa chấn.

Lực lượng cứu hộ đưa xác nạn nhân dưới đống đổ nát ra ngoài, trong trận động đất ở Cianjur (Indonesia) ngày 22/11/2022. Ảnh: REUTERS.

Những vụ thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng

Nhân loại đã phải chứng kiến nhiều trận động đất, sóng thần kinh hoàng mà con người bỗng trở nên cô đơn, bất lực. Ký ức loài người không thể xóa mờ những tổn thất đau đớn ấy. Động đất, sóng thần lấy đi qua nhiều sinh mạng, khiến cho rất nhiều người phải chịu đớn đau suốt cuộc đời và nó cũng khiến cho nhiều vùng đất trở nên hoang phế.

Ngày 14/8/2021, một trận động đất cường độ 7,2 độ Richter đã làm rung chuyển phía tây đất nước Haiti, làm ít nhất 304 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương và mất tích.

Jerry Chandler - người đứng đầu Cơ quan bảo vệ dân sự Haiti cho biết, trong số 304 người thiệt thì có 160 người ở khu vực tâm chấn của trận động đất, còn lại là những người ở xa hơn, chủ yếu bị chết do các ngôi nhà sụp đổ đè xuống. Trong trận động đất ấy, trong số những người thiệt mạng còn có thị trưởng thành phố Cayes, Gabriel Fortune, người được tìm thấy cùng với nhiều nạn nhân khác trong đống đổ nát của một khách sạn.

Sau trận động đất là nỗi kinh hoàng, hỗn loạn bao trùm. 1800 người bị thương nằm la liệt trong các bệnh viện với những tiếng kêu la rền rĩ suốt ngày đêm. Trận động đất cũng đã phá hủy 949 ngôi nhà, 7 nhà thờ, 2 khách sạn và 3 trường học.

Phóng viên hãng tin AP có mặt tại hiện trường mô tả, những gì con người gây dựng được trong bao nhiều năm đã bị xóa sổ chỉ trong chớp mắt. Không ai còn dám ở lại nơi hoang tàn ấy, nó đã biến thành vùng đất chết. “Những con người thất thểu trên đường, đầu không ngoảnh lại và có lẽ họ cũng không biết đi đâu về đâu. Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng, đồng thời cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực của chính quyền để khắc phục hậu quả trận động đất. Nhưng đó cũng chỉ là những hành động muộn màng vì rằng những gì đã bị chôn vùi trong trận động đất là thảm họa không thể cứu chữa”.

Haiti là quốc gia nằm trên giao điểm của mảng địa chất phía Bắc và Caribe mỗi năm dịch chuyển vài cm về phía Bắc hoặc phía Đông. Điều này khiến cho đất nước này thường xuyên phải chịu thiệt hại bởi những trận động đất. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) từng liệt Haiti là quốc gia có chỉ số nguy cơ về thiên tai cao nhất thế giới.

Trước đó, ngày 12/1/2010, một trận động đất cường độ lớn 7 độ Ríchter và tâm chấn ở độ sâu khoảng 13km, kéo dài 55 giây, đã san phẳng hầu như toàn bộ thủ đô Port-Au-Prince của Haiti. Thật kinh hoàng khi một tháng sau trận động đất, chính quyền cho biết 46.000 cho tới 300.000 người đã bị chết. Sở dĩ con số có khoảng cách hết sức lớn này là do nhiều người đã bị đất “nuốt chửng” hoặc bị những khối vật liệu rất nặng đè bẹp mà không thể tìm thấy thi thể. Trận động đất đã làm 1,5 triệu người mất nhà ở, nó còn để lại một hậu quả lâu dài hơn là khiến khoảng 6.000 người dân Haiti bị tàn tật vĩnh viễn, không thể khôi phục lại cuộc sống của mình.

Tại Indonesia, ngày 28/9/2018, một trận động đất có độ lớn 7,5 độ kéo theo sóng thần đã xảy ra ở thành phố Palu, nằm trên đảo Sulawesi, cướp đi sinh mạng của hơn 4.300 người. Trận động đất cũng đã “nuốt chửng” hàng nghìn ngôi nhà và các tài sản khác, phá hủy nhiều tàu đánh cá, các cửa hàng và hệ thống tưới tiêu… của người dân.

Nhưng thật sự kinh hoàng khi trước đó, năm 2004, một trận động đất cường độ 9,3 độ Richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia, đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người các quốc gia ven bờ Ấn Độ dương, trong đó có 168.000 người Indonesia. Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), năng lượng khổng lồ tỏa ra từ trận động đất này được ví tương đương với năng lượng của 23.000 quả bom nguyên tử người Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Trận động đất cực đại này, tiếc thay tất cả các cơ quan dự báo chuyên ngành trên thế giới đều không đưa ra cảnh báo về sóng thần như một hệ quả, khiến người dân không có thời gian để sơ tán, dù thời gian con sóng tấn công các châu lục cách nhau nhiều giờ.

Cũng ở châu Á, ngày 25/4/2015, đất nước Nepal đã bị trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tấn công. Tâm chấn trận dộng đất xảy ra ở vùng Gorkha, khu vực giữa thủ đô Kathmandu và thành phố Pokhara. Trận động đất này đã giết chết hơn 4000 người và khoảng 6500 người bị thương tật với các mức độ khác nhau. Chưa hết, nó còn gây ra một vụ lở tuyết trên đỉnh núi Everest làm 17 nhà leo núi thiệt mạng, hơn 60 người khác bị thương.

Tại Philippines, vào lúc nửa đêm ngày 17/8/1976, một trận động đất manh 7,9 độ Richter làm rung lắc các đảo Mindanao và Sulu. Những đợt sóng thần cao đến 5 mét ào ạt tấn công bờ, cuốn trôi hàng nghìn người dân khi họ đang chìm trong giấc ngủ. 8.000 người đã thiệt mạng mà không biết vì sao mình chết. Trận động đất này đã trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Philippines.

Ngày 8/10/2005, trận động đất mạnh 7,6 độ Richter bùng lên tại khu vực Kashmir của Pakistan, làm 80.000 người thiệt mạng, 4 triệu người mất nhà cửa. Tâm chấn của động đất ở thủ phủ Muzaffarabad của vùng Kashmir. Nhiều thị trấn trong khu vực chỉ còn lại là những đống đổ nát hoang tàn sau động đất kinh hoàng.

Châu Á thực sự đã phải chịu đựng quá nhiều tang tóc do động đất. Trung Quốc cũng chịu nhiều tổn thất do động đất. Nhưng có lẽ trận động đất ngày 26/1/2001 tại bang Gujarat, tây bắc Ấn Độ với cường độ 7,9 độ Richter thật sự ghê rợn. Trận động đất đã làm 20.000 người thiệt mạng, hơn 500 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, các hệ thống cung cấp điện và điện thoại bị phá hủy trên diện rộng.

Trong số các quốc gia châu Á, cùng với Indonesia, Philippines thì Nhật Bản là nước chịu đựng động đất và sóng thần nhiều nhất. Vào lúc 14h46’ ngày 11/3/2011, một trong những trận động đất lớn nhất trong lịch sử nhân loại đã xảy ra tại miền đông bắc Nhật Bản. Trong vòng 1 giờ xảy ra động đất, các thị trấn dọc bờ biển đều bị những đợt sóng khổng lồ san phẳng. Những ngọn sóng cao tới 5 mét liên tiếp ập lên nhà cửa và những cánh đồng. Ở mức cao nhất, sóng thần tại Miyako, Iwate, được ước tính cao đến 40 mét.

Thảm họa này đã xóa sổ nhiều thị trấn, cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người Nhật Bản. Số người bị thương là gần 20.400 và số người bị nhiễm phóng xạ là 190 người. Khoảng 100.300 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn do động đất và sóng thần. Thảm họa đã gây ra các sự cố liên tiếp tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và 2 đã khiến nhiều nhà máy điện hạt nhân khác phải ngừng hoạt động.

Thảm họa kép này đã khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima rộng lớn hoang phế trong hơn 10 năm, không có người sinh sống. Cho tới đầu năm 2022, mới bắt đầu có người trở lại và kể từ đó “nghĩa địa khổng lồ” mới được coi là bắt đầu có sự sống của con người.

Bên ngoài châu Á, một số quốc gia khác trong Vành đai địa chấn Thái Bình dương hoặc gần kề cũng phải chịu nhiều đau thương do động đất, sóng thần. Tại Papua New Guinea, ngày 17/7/1998, đất nước châu Phi này chỉ trong một ngày đã rung chuyển bởi 2 trận động đất kế tiếp nhau, mỗi trận đều có độ lớn 7 độ Richter. Hai trận động đất bắt đầu từ đáy biển đã tạo ra 3 đợt sóng thần, làm chết ít nhất 2.100 người ở gần thị trấn Aitape trên bờ biển phía Bắc của đất nước này thiệt mạng. Papua New Guinea, nằm trong Vành đai lửa Thái Bình dương cũng thường xảy ra động đất và núi lửa, nhưng cho tới nay thì thảm họa kép ngày 17/7/1998 là khủng khiếp nhất.

Xa hơn rất nhiều là đất nước Chile. Ngày 22/5/1960, một trận động đất có cường độ mạnh nhất từng xảy ra trên thế giới, lên tới 9,5 độ Richter. Gần 5.000 người thiệt mạng, hơn 2 triệu người mất nhà cửa vì đợt thiên tai được ví như "cơn thịnh nộ của lòng đất".

Thật kinh hoàng là sau động đất, sóng thần xuất hiện và tàn phá cảng Puerto Saavedra của đất nước này. Sóng thần từ trận động đất ở Chile lan rộng khiến 170 người ở Nhật Bản và Philippines thiệt mạng khi tràn qua bờ biển hai nước này. Tai họa nối tai họa, chỉ một ngày sau, ngày 23/5/1960, núi lửa Volcan Puyehue phun trào, tạo thành cột tro bụi cao tới 6.000 mét đã kéo dài thảm kịch thêm nhiều tuần sau đó.

Trở lại vấn đề, cho dù khoa học ngày một hiện đại, các dự báo động đất, sóng thần ngày càng tiệm cận hơn so với thực tế, nhưng điều đó vẫn chưa thể giúp con người tránh được thảm họa thiên nhiên ghê gớm này.

Vì sao có động đất và vì sao khó dự báo?
Theo giới chuyên gia, các rung chấn xảy ra hằng ngày trên Trái Đất nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại, thậm chí không thể cảm nhận được. Tuy nhiên một khi xuất hiện với cường độ cao, động đất gây ra những đợt rung lắc mạnh làm phá hủy cấu trúc của nhiều vật chất, đồng thời kéo theo nhiều hệ quả đáng sợ khác như lở đất, lở tuyết, gây sóng thần…
Động đất là hiện tượng rung chuyển của mặt đất, gây ra do kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ ở lớp vỏ Trái Đất. Theo ước tính, 90% trận động đất thuộc loại động đất kiến tạo. Theo thuyết kiến tạo mảng, lớp vỏ Trái Đất được hình thành từ các mảng kiến tạo (có 7 mảng kiến tạo chính). Các mảng này không đứng yên một chỗ mà di chuyển liên tục trên một lớp vật chất nóng quánh dẻo. Trong quá trình dịch chuyển, chúng có thể va phải nhau, giải phóng năng lượng dưới dạng sóng, từ đó gây ra động đất. Cũng chính vì vậy, động đất thường xảy ra nghiêm trọng hơn tại khu vực giao nhau giữa các mảng kiến tạo.
Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể làm động đất xuất hiện bao gồm thiên thạch va chạm vào Trái Đất, các các vụ lở đất đá (có thể đất đá ngầm) với khối lượng lớn. Bên cạnh đó, con người cũng có thể gây ra những rung động, ví dụ như sử dụng chất nổ trong quá trình khai thác khoáng sản hay thử hạt nhân trong lòng đất.
Với công nghệ hiện đại ngày nay, các nhà khoa học có thể xác định được điểm mà các sóng địa chấn bắt đầu (chấn tiêu) và ước tính cường độ của các trận động đất. Để làm điều này, các nhà khoa học đã thiết kế ra những thang đo, trong đó phổ biến nhất là thang Richter (đặt theo tên của nhà nghiên cứu địa chấn người Hoa Kỳ). Cường độ bao gồm từ 1 đến 3 độ Richter, thường không nhận biết được hoặc có thể nhận biết nhưng không gây thiệt hại. Từ 4 - 5 độ Richter: Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể. Từ 5 - 6 độ Richter: Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng bị nứt. Từ 6 - 7 độ Richter: Nhà cửa bị hư hại nhẹ. Từ 7 - 8 độ Richter: Cường độ mạnh, có thể phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, thường để lại vết nứt lớn hoặc gây hiện tượng sụt lún trên mặt đất. Từ 8 - 9 độ Richter: Cường độ rất mạnh, có khả năng phá hủy gần hết cả thành phố, để lại nhiều vết nứt lớn, các tòa nhà bị lún. Trên 9 độ Richter: Sức tàn phá cực lớn, rất hiếm khi xảy ra, khoảng 20 năm 1 lần.
Ước tính, mỗi năm trên Trái Đất có chừng 500.000 đến 1 triệu vụ rung chấn địa chất mà các dụng cụ có thể ghi nhận được. Trong số đó có khoảng 100.000 vụ con người có thể cảm nhận được và tầm 1.000 vụ để lại thiệt hại.

PHAN QUANG VŨ