Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc
Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại lâu đời trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, gây ra hậu quả rất lớn đối với gia đình và xã hội. Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của bà con còn khá khó khăn nên những hủ tục trong cuộc sống rất nặng nề. Trong đó, nổi lên là vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Không ai bắt buộc nhưng trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh Lâm Đồng như huyện Đam Rông, Đơn Dương, Lạc Dương, Bảo Lâm, Di Linh… trai gái khi đã nghỉ học gần như mặc định sẽ tính tới chuyện lập gia đình. Vì thế, việc các cô gái, chàng trai 15, 16 tuổi đã “tay bế tay bồng” không phải là chuyện hiếm gặp.
Khi đến thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm hỏi K'Thắm mọi người đều không mấy xa lạ. K'Thắm mới học đến lớp 9 nhưng đã nghỉ học ở nhà làm nương, làm rẫy cùng bố mẹ. Cũng chỉ quanh quẩn trong làng, trong xã nên nghỉ học một thời gian thì K'Thắm cũng được bố mẹ cho đi lấy chồng cùng chàng trai trong thôn.
Một cô gái đang tuổi ăn, tuổi lớn với lối suy nghĩ hồn nhiên chân chất, phút chốc lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”, bên chồng, bên con. Ở với nhau được 2 mụn con, mãi đến năm 2019, K'Thắm mới đủ tuổi đăng ký kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Sau ngày “bắt” chồng chẳng bao lâu, K'Thắm sinh liên tiếp hai người con. Tài sản cha mẹ chia cho là 5 sào cà phê, mỗi năm thu hoạch được một lần. Tiền bán cà phê thường không đủ trả nợ cho các đại lý đã ứng mua phân bón và các loại thực phẩm trước đó. Gia đình nghèo khó, túng quẫn, chồng K'Thắm quanh năm phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi gia đình nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Trường hợp của K'Thắm đang trở thành trường hợp khá phổ biến ở tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, không may mắn như K'Thắm, tại buôn Hàng Piơr, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, câu chuyện của gia đình bà K’Dĩnh lại khá chua xót do hệ quả của hôn nhân cận huyết thống gây ra.
Bà K’Dĩnh cho biết, vì tập tục lâu đời của người dân tộc không muốn tài sản của gia đình mình chia cho người khác nên gia đình tôi vẫn cho con cô, con cháu lấy nhau. Tuy nhiên, cháu bà K’Dĩnh, từ lúc sinh ra đến nay vẫn đau ốm liên miên, nuôi mãi không lớn và bị dị tật bẩm sinh. Nếu biết hậu quả thế này thì chúng tôi không cho chúng nó lấy nhau đâu.
Còn tại thôn Tu Pó, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương có hơn chục ngôi nhà nhỏ nằm ven Quốc lộ 723. Dân cư ở đây chủ yếu là người dân tộc Cơ Ho, sinh sống bằng nghề nương rẫy, hầu hết thuộc diện hộ nghèo. Trong thôn cũng thường xuyên xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, nhưng công tác này còn gặp nhiều khó khăn vì những lý do khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Loan, cán bộ tư pháp xã Đạ Chais cho biết, hôn nhân cận huyết thống vốn tồn tại từ lâu trong cộng đồng người Cơ Ho. Nó đã trở thành tập tục ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ lý do kinh tế và điều kiện cư trú. Nhiều gia đình, dòng họ sợ sẽ “vơi” của cải khi cho con cái lấy người khác họ. Nếu lấy người cùng huyết thống thì của cải trong gia đình, dòng tộc sẽ được bảo toàn. Việc sinh sống, cư trú tại các địa bàn hẻo lánh, cô lập cũng khiến các chàng trai, cô gái khó có cơ hội tìm hiểu, gặp gỡ đối tác nên họ thường phải lấy người trong dòng họ.
Tuy nhiên, để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc, Hội LHPN huyện Lạc Dương đã chọn tổ dân phố Bon Đưng 1 để triển khai xây dựng mô hình chi hội phụ nữ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của chị em phụ nữ; góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Mô hình này duy trì tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần hoặc 1 tháng/lần. Nhờ vậy, nhận thức của bà con trong tổ dân phố đã thay đổi rõ rệt, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống vật chất và tinh thần dần được cải thiện và nâng cao, không có trường hợp tảo hôn, nam nữ đến tuổi lập gia đình đều tự giác đến UBND thị trấn đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật.
Theo ông Dơ Woang Ya Gương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025”. Hiện nay, một số đơn vị, địa phương đã triển khai tốt các nội dung của đề án như xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên; Trường phổ thông dân tộc nội trú liên huyện phía Nam; Trường phổ thông dân tộc nội huyện Di Linh, xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng. Đây là những đơn vị, địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 96%.
“Qua triển khai đề án, tại tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản nâng cao được nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số”, ông Ya Gương đánh giá.