Nhật Bản bắt đầu giảm mức trần trợ giá xăng dầu từ đầu năm tới
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự định sẽ giảm dần trợ giá xăng dầu từ đầu năm 2023 trong bối cảnh nhiều người tin rằng giá bán lẻ nhiên liệu sẽ không tăng mạnh trở lại nếu giá dầu thô vẫn đứng ở mức như hiện tại.
Theo kế hoạch này, từ tháng 1/2023, mỗi tháng, METI sẽ cắt giảm mức trần trợ cấp cho 29 nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu trong nước 2 yen (0,015 USD)/lít để đưa mức trần này từ 35 yen/lít hiện nay về 25 yen/lít vào tháng 5/2023.
Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chương trình trợ giá cho 29 nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong nước từ tháng Một năm nay để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này sau khi giá bán lẻ xăng ở nước này chạm ngưỡng 170 yen/lít lần đầu tiên sau hơn 13 năm do các bất ổn địa-chính trị trên thế giới, với mức trợ cấp ban đầu là 3,4 yen/lít.
Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã nâng dần mức trợ cấp này lên 25 yen/lít vào tháng Ba và 35 yen/lít vào tháng Tư, đồng thời gia hạn chương trình này nhằm ổn định giá nhiên liệu trong nước.
Theo quy định, Chính phủ sẽ trợ cấp cho các nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong nước khi giá xăng bình quân toàn quốc chạm ngưỡng 168 yen/lít. Mặc dù mức trần trợ cấp cao như vậy nhưng với mức giá xăng dầu hiện tại, Chính phủ Nhật Bản chỉ phải trợ cấp chưa tới 25 yen/lít cho các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu trong nước và dự định sẽ giảm còn 15,6 yen/lít từ ngày 22/12.
Trong khi đó, ở Việt Nam, trong kỳ điều hành ngày 21/12, giá xăng, dầu đã giảm lần thứ tư liên tiếp. Cụ thể, mỗi lít xăng giảm 370-500 đồng, các mặt hàng dầu cũng hạ 70-150 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng RON 95 giảm 493 đồng, về mức 20.707 đồng một lít. Xăng E5 RON 92 có giá mới 19.975 đồng, tức giảm 371 đồng. Giá dầu hỏa giảm 65 đồng 1 lít còn 21.836 đồng 1 lít; dầu diesel giảm 69 đồng 1 lít còn 21.601 đồng 1 lít; dầu mazut giảm 153 đồng 1 kg xuống 12.863 đồng 1 kg.
Ở kỳ điều hành ngày 21/12, nhà điều hành tiếp tục ngừng trích lập vào Quỹ bình ổn, cũng như chi sử dụng từ quỹ này. Việc không trích, xả Quỹ bình ổn, theo liên Bộ Công Thương - Tài chính nhằm hỗ trợ giảm giá các mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng tại Việt Nam đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 16 lần giảm, một lần giữ giá.