Gỡ vướng cho cơ chế tự chủ
Kể từ khi giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ quan, đơn vị khu vực công, TPHCM đã tiết kiệm được đáng kể từ nhiều khoản chi thường xuyên. Dù vậy, vẫn còn không ít tồn tại, vướng mắc về cơ chế tự chủ, dẫn đến nảy sinh bất cập mới...
Cơ chế tự chủ, nhất là tự chủ nguồn thu tài chính là chủ trương được TPHCM triển khai để tháo gỡ khó khăn cho ngân sách. Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị mình trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Tuy nhiên, qua thực tiễn giám sát tại một số đơn vị cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) giai đoạn 2020-2022, lãnh đạo BV này cho biết, đơn vị được giao quyền tự chủ chi thường xuyên kể từ năm 2016. Mặt được là BV đã chủ động xây dựng được nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; chủ động về khám chữa bệnh và tiết kiệm phần nào cho ngân sách thành phố. Thế nhưng, lại phát sinh về kinh phí đầu tư; bất cập trong công tác khám chữa bệnh BHYT; cơ cấu giá thẩm định;…
Cũng do các bất cập này, đã dẫn đến BV không có nguồn để tái đầu tư; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, khó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thu hút thêm nguồn lực có chất lượng cao.
Tương tự, giám sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc của các BV Chợ Rẫy và BV quận 11 (TPHCM) cũng cho thấy dù các đơn vị tự chủ nhưng nguồn thu lại do nhà nước quy định. Bên cạnh việc cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc còn nhiều vướng mắc từ trước. Việc thanh toán BHYT cũng không dễ dàng khiến các BV ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử về phát sinh thiếu thuốc, Giám đốc BV quận 11 phản ánh, dù rất cấp thiết và đã trình UBND TPHCM nhưng chậm được phê duyệt định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng. Đó là chưa kể đến các vướng mắc liên quan đến cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; giá cả đấu thầu và thị trường có sự chênh lệch... dẫn đến tình trạng thiếu thuốc diễn ra một thời gian dài.
Chỉ tính trong năm 2022, việc tự chủ khó khăn đã khiến 20 đơn vị y tế của TPHCM không đủ nguồn để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Trước thực trạng kể trên, không ít các cơ quan, đơn vị công đang triển khai tự chủ, cho rằng thực trạng của việc không đủ nguồn tự chủ tài chính cũng xuất phát từ đề án tự chủ hiện nay chưa phù hợp với TPHCM. Bởi vì, trước TPHCM đã có một số BV lớn ở Hà Nội như Bạch Mai và Việt Đức cũng xin không tự chủ nữa bởi cơ chế tự chủ chưa phù hợp với nhiều bất cập nhưng lại chưa được tháo gỡ.
Cùng với ngành y tế, các cơ sở giáo dục, trường học cũng chịu chung các vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện cơ chế tự chủ. Hàng năm nhà nước thực hiện cắt giảm theo lộ trình từ 5-15% chi thường xuyên, trong khi đa phần các trường chưa có nguồn thu từ các dịch vụ khác, chủ yếu nguồn thu đến từ học phí với tỷ lệ 70-80%. Đây là vướng mắc lớn nhất khiến ngân sách chi cho giáo dục ngày càng thu hẹp, chi thường xuyên tiếp tục cắt giảm. Đồng nghĩa, khiến các trường đại học gặp áp lực tăng thu còn người học phải gánh mối lo về tăng học phí.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM nhìn nhận còn quy định chưa phù hợp trong đề án về cơ chế tự chủ. Chẳng hạn, các quy định của luật về đấu thầu thì hiện không bị vướng nhưng vướng mắc chính lại xuất phát ở các nghị định, thông tư, những văn bản dưới luật. Về các bất cập này, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổng hợp các ý kiến để góp ý cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Đầu tư sửa đổi.
Có thể nói, về mặt chủ trương thì cơ chế tự chủ, nhất là tự chủ tài chính trao quyền trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp công được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi trong khuôn khổ pháp luật quy định, thế nhưng chính do các vướng mắc chưa thể tháo gỡ cũng đang khiến nhiều cơ quan, đơn vị khu vực công gặp khó khăn và đối diện nguy cơ thua lỗ.