Thận trọng tăng giá điện
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức mới đây, một lần nữa lãnh đạo EVN lại đề nghị tăng giá điện. Trong năm 2022, cũng đã vài ba lần EVN nói đến việc này, kể cả đã lên kịch bản cho việc tăng giá. Điện là mặt hàng thiết yếu của thiết yếu, vì thế đề xuất tăng giá điện của EVN lập tức gây chú ý.
Theo ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN, mặc dù trong năm 2022 thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chi phí nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất điện, nhưng EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện (đã vận hành thương mại - COD) toàn hệ thống đạt gần 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165 MW, chiếm tỉ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Trong khi đó EVN lại gặp nhiều khó khăn. Đó là việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, giá than thế giới tăng cao, nguồn nhập khẩu hạn chế, giá than nhập khẩu tăng 1,35 lần so với năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Vẫn theo lãnh đạo EVN, để ứng phó, tập đoàn đã áp dụng nhiều biện pháp nhờ đó tiết giảm được chi phí 33.445 tỷ đồng. Nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến. Do đó, năm 2022 dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.
Còn theo ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí "ăn theo" giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay.
Từ đó, EVN kiến nghị Bộ Công thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện. Và cũng rất đáng chú ý khi EVN đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Như vậy là vào thời điểm “năm hết tết đến”, EVN chờ được tăng giá bán điện.
Trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc EVN cho rằng phải điều chỉnh giá điện; đồng thời cảnh báo nguy cơ mất cân đối dòng tiền của EVN có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của nhà máy điện, an toàn hệ thống điện. Về đề xuất điều chỉnh giá điện giống xăng dầu nhận được nhiều ý kiến khác nhau, lãnh đạo EVN cho biết thị trường điện tại Việt Nam hiện đang trải qua hai giai đoạn phát triển: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sẽ tiến tới giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo Luật Điện lực, nên cần có cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp hơn với từng giai đoạn.
Từ câu chuyện “rất nóng” này, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc thận trọng khi đưa ra quyết định. Thứ nhất, về việc thua lỗ “khủng” của EVN chủ yếu do giá nhiên liệu đầu vào tăng. Con số của EVN đưa ra là 31.360 tỷ đồng cần phải được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm tra, xác nhận, để có được sự khách quan, thuyết phục. Nếu đúng thì cần để EVN nâng giá điện, nhưng trong trường hợp không thua lỗ đến con số ấy thì sao? Quan trọng là phải rõ ràng, minh bạch.
Thứ hai, việc EVN nhiều lần đề xuất giá điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, mà rõ hơn là đề nghị được điều chỉnh giống như cơ chế đối với giá xăng dầu. Trên thực tế, EVN đã và đang tiếp tục dẫn dắt, thống lĩnh thị trường. Có quyền mua điện, bán điện. Vậy ở đây cần phải làm rõ hơn khái niệm “cạnh tranh theo cơ chế thị trường” của tập đoàn này.
Cũng cần lưu ý, nếu áp dụng cơ chế điều chỉnh giá như đối với xăng dầu (hiện là 10 ngày điều chỉnh 1 lần) thì ngành điện có làm được không và có nên làm không. Thực tế cũng đã cho thấy, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế hiện hành thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, có thời gian còn gây ra việc gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp đầu mối phản ứng, doanh nghiệp bán lẻ cũng phản ứng. Giới chuyên gia đang đề xuất giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 3 ngày. Vậy, “noi theo” xăng dầu, điện có thể “xoay” kịp được không và người dân, doanh nghiệp sẽ ứng phó ra sao khi điều đó xảy ra.
Trở lại đề xuất nâng giá bán điện của EVN, quả thật suốt từ năm 2019 đến nay giá không điều chỉnh thì có thể nói là lạc hậu: lạc hậu trong điều hành cũng như lạc hậu với thị trường. Khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng thì tất nhiên cũng không thể bắt EVN một mình chịu trận. Tuy nhiên, như đã nói, rất cần kiểm tra thực lực, khó khăn và cả thuận lợi rất lớn của tập đoàn khổng lồ này, minh bạch trước khi quyết định. Cần trả lời câu hỏi lỗ nặng do giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng hay do cũng còn do cách làm ăn, điều hành. Ai cũng biết rằng, quyết định tăng giá điện sẽ tác động rất lớn, tác động lập tức tới nền kinh tế cũng như tới người dân, doanh nghiệp. Vì thế, cần phải thận trọng.