Kiếm tiền tiêu Tết, sinh viên tránh sập bẫy làm thêm
Tranh thủ thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài, nhiều sinh viên lên kế hoạch tìm việc làm thêm, việc làm thời vụ để kiếm thêm thu nhập.
Làm thêm kiếm tiền tiêu Tết
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho sinh viên. Theo kế hoạch đào tạo năm 2022-2023, các trường đa phần cho nghỉ từ 2-4 tuần, trong đó có trường cho nghỉ tới 40 ngày.
Ở khu vực phía Bắc, nhiều trường đại học cũng cho sinh viên nghỉ Tết khá dài như Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho nghỉ 3 tuần.
Theo kế hoạch của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời gian nghỉ Tết sẽ trong tuần từ ngày 16/1/2023 đến ngày 27/1/2023; từ ngày 30/1/2023, sinh viên sẽ đi học bình thường.
Trường Đại học Thương Mại cũng dự kiến nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 16/1/2023 đến ngày 28/1/2023. Như vậy, sinh viên của trường được nghỉ Tết 13 ngày.
Ba trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán từ 16/1 đến hết 29/1/2023.
Tranh thủ thời gian nghỉ Tết, nhiều sinh viên lên kế hoạch tìm việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải tiền học phí. Những việc làm thêm phổ biến dịp Tết của sinh viên thường là việc thời vụ như phát tờ rơi, thu ngân, bán hàng, giao hàng, chạy bàn, gia sư…
Vừa thi hết học kỳ, em Nguyễn Thị Kiều Nga, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vội lên mạng, tham gia các nhóm gia sư khu vực Hà Nội để tìm việc dạy kèm học sinh tiểu học theo giờ.
Tìm việc qua nhóm gia sư, Nga phải trích lại 40% tháng lương đầu tiên. Chi phí trích lại cao nhưng bù lại Nga tìm được việc làm ngay. Sau 1 tuần tìm việc, hiện Nga nhận dạy 3 bé lớp 2 và lớp 4, mỗi bé mỗi tuần 2 buổi. Học phí cho một buổi học là 150.000 đồng.
“Nếu dạy đủ số buổi cả 3 bé thì tới Tết Nguyên đán em sẽ kiếm được hơn 3 triệu đồng. Số tiền này em dự định một phần biếu bố mẹ, một phần để tiêu Tết không phải xin bố mẹ”, Nga nói.
Một công việc khác rất hút sinh viên, đặc biệt là các bạn nam, đó là xe ôm, giao hàng công nghệ. Năm nay là năm đầu tiên lên Hà Nội học, Nguyễn Đức Anh, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, mọi chi tiêu sinh hoạt trên thành phố khá đắt đỏ, nhất là thời điểm cận Tết.
Theo bạn bè giới thiệu, Đức Anh tranh thủ thời gian không phải học trên giảng đường, làm thêm việc “shiper” công nghệ.
Đức Anh cho biết: “Càng sát Tết, các đơn hàng càng nhiều. Mỗi đơn hàng em nhận được từ 15.000 – 25.000 đồng, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Mới lên thành phố chưa thạo đường nhưng làm việc này được hơn 2 tuần nay em quen đường phố hơn hẳn”.
Tỉnh táo trước thông tin việc làm
Dạo qua một số diễn đàn việc làm dành cho sinh viên những ngày này, có thể tìm thấy vô vàn các thông tin tuyển dụng với nội dung hấp dẫn theo hướng có lợi cho người tìm việc như: “ưu tiên tuyển sinh viên”; “làm việc trong môi trường trẻ trung, năng động”; “làm việc lâu dài, thu nhập ổn định”, “không thu tiền cọc trước”… Đa số là việc làm bán thời gian dành cho sinh viên hoặc người lao động trẻ, công việc chủ yếu như: chạy bàn, bán hàng, giới thiệu sản phẩm, đóng hàng, kiểm đếm hàng…
Mạng xã hội phát triển là cầu nối nhanh chóng giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng. Tuy nhiên bên cạnh thu nhập, trải nghiệm cuộc sống, không ít sinh viên phải đối mặt với những trớ trêu của công việc.
Dù chưa gặp phải rủi ro nào từ công việc shiper nhưng Nguyễn Đức Anh, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, một số bạn của Đức Anh khi đi giao hàng, nhất là đồ ăn, khách không nhận, không liên lạc được với khách nên bị mất tiền hàng.
Một số sinh viên cũng cho hay, do công khai thông tin cá nhân trên các hội nhóm mạng xã hội nên ngay sau đó, các em liên tục nhận các tin nhắn, cuộc gọi mời chào vay tín dụng, mở thẻ ngân hàng, làm tiếp thị, tiếp khách tại quán karaoke…
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, đa phần sinh viên của trường là ngoại tỉnh, không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nên các em tìm kiếm việc làm thêm, làm thời vụ là việc làm chính đáng.
Tuy nhiên, trước nhiều chiêu trò lừa đảo sinh viên tìm việc làm thêm dịp cuối năm qua không gian mạng, nhà trường liên tục đưa ra lời cảnh báo tới sinh viên. Bên cạnh đó, ở các câu lạc bộ sinh viên của nhà trường, các em cũng giới thiệu việc làm, hướng dẫn nhau cách để không “sập bẫy” của nhiều nhóm đối tượng quảng cáo, mời chào “việc nhẹ, lương cao”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, nhà trường khuyến khích sinh viên làm thêm ở một số công việc mà phát huy được kiến thức đang học. Tuy nhiên số này rất ít, chủ yếu là làm những công việc bán hàng, shiper, phục vụ…
“Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng có tính hai mặt. Sinh viên cần tỉnh táo trước những thông tin việc làm. Ngoài ra, dù các em làm việc gì, kiếm thêm được bao nhiêu tiền mỗi tháng thì cũng phải chú ý giữ gìn sức khỏe; phân bổ, sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng tới việc học”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương đưa lời khuyên.