Người trong cuộc lên tiếng
Ngày 22/12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để giúp doanh nghiệp và người mua nhà được vay tín dụng. Theo ông Châu, trong tình thế "bất thường" hiện nay của bất động sản thì Nhà nước cần ban hành các giải pháp "bất thường" để xử lý kịp thời và hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM, Ngân hàng Nhà nước không nên “giữ nguyên xi” chuẩn tín dụng trong tình thế “bất thường” hiện nay mà nên “nới chuẩn tín dụng một chút”, dù rằng không phải là hạ thấp chuẩn tín dụng so với chuẩn tín dụng bình thường trước đây.
Vẫn theo ông Châu, do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với một số trường hợp.
Trước đó, phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, ngày 17/12, ông Lê Hoàng Châu thay mặt Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết đã gửi kiến nghị tới Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đề xuất bổ sung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở vào nội dung của kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội.
Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM đề cập đến 2 vấn đề. Một là, cho phép các doanh nghiệp BĐS chuyển nhượng dự án BĐS được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa XIV “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Hai là, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” (theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 973 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV) để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ), bởi lẽ trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Như vậy là sau một thời gian khá dài thị trường BĐS xuống sức, thì “người trong cuộc” cũng đã phải lên tiếng, cần đến sự hỗ trợ mà cụ thể là nguồn vốn cho vay của ngân hàng. Ở đây, cần xác định việc này không phải là “giải cứu” doanh nghiệp BĐS mà là để phục hồi thị trường khi cả doanh nghiệp và người mua nhà rất cần được vay tín dụng.
Ở đây, xin được nói về phía người mua nhà.
Nhiều năm qua, giá BĐS nói chung và giá nhà ở nói riêng đã vượt quá sức chịu đựng của người có nhu cầu sử dụng. Liên tục tăng giá, liên tục lập kỷ lục, liên tục “kịch trần” và “vượt trần”. Thị trường BĐS chao đảo vì những cú “đánh sóng”, “thổi giá”. Giấc mơ sở hữu một căn nhà của người lao động ngày một xa vời. Theo một khảo sát không chính thức, thì nếu như năm 2015, người lao động bình thường phải tích lũy 37 năm mới có thể mua nổi một căn chung cư hạng trung. Thì tới đầu 2022, phải mất đến 50 năm.
Cho vay đầu tư BĐS là lĩnh vực nhiều rủi ro nên việc kiểm soát chặt chẽ, siết lại dòng tiền, nắn dòng tiền không chảy quá nhiều vào BĐS của hệ thống ngân hàng cũng là chuyện có thể hiểu được. Tuy nhiên, trong bối cảnh “bất thường” - như cách nói của Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, thì nếu siết quá chặt, quá lâu sẽ dẫn đến hậu quả cho thị trường, nhất là đối với người cần nhà ở, họ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Với hầu hết người lao động làm công ăn lương, nếu không vay được tiền từ ngân hàng với lãi suất “phải chăng” thì không thể mua nổi nhà để ở. Điều đáng nói là trong khi ngân hàng siết việc cho vay tiêu dùng, thị trường BĐS đối mặt với nguy cơ “đóng băng” nhưng giá chung cư vẫn neo cao, người mua khó với. Tại Hà Nội và TPHCM, khu vực gần trung tâm, hiện với mức giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 70m2 thì ít nhất cũng phải có 3,5 tỷ đồng. Số tiền mà người làm công ăn lương chỉ thấy trong mơ.
Thống kê của Savill Việt Nam, hiện căn hộ có giá từ 2-4 tỷ đồng chiếm 85% nguồn cung, căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng chỉ chiếm 12%, còn lại là căn hộ giá từ 4 tỷ đồng trở lên. So với 1 năm trước, giá nhà chung cư vẫn tăng 4-5%.
Đã đến lúc cần nhiều giải pháp bình ổn thị trường BĐS, trong đó có việc gấp rút xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp. Mặt khác, việc nới chuẩn tín dụng cũng là điều cần thiết.