Sẽ xử lý các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về tín dụng, lãi suất trong thời gian tới.
Văn bản nêu rõ, TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn. Bên cạnh đó, tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghề cao); các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản; trong đó, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...
Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cho biết sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Trước đó, trong một cuộc họp giữa lãnh đạo NHNN với Hiệp hội ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện đã có 100% hội viên của Hiệp hội đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức 9,5% trên tất cả các kỳ hạn (bao gồm tất cả các khoản khuyến mại). Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng. Các TCTD cũng rất đồng thuận giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng đã khẳng định không để thiếu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, kể cả cá nhân.
Liên quan đến thanh khoản hiện nay, ông Hùng khẳng định thanh khoản tổng thể toàn hệ thống không thiếu. Tuy vậy, vẫn còn chỗ này, chỗ kia thiếu thanh khoản và đôi lúc sự tin tưởng lẫn nhau giữa các TCTD không được như trước dẫn đến thị trường liên ngân hàng có lúc bị chao đảo thậm chí hoạt động không được thông suốt như trước.
“Có lúc, có nơi, tình trạng thiếu thanh khoản nhất thời đã xảy ra. Tuy nhiên, NHNN đã nhận thấy và kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp như cho vay qua thị trường mở, thị trường liên ngân hàng. Hoạt động bơm vốn kịp thời, hài hòa của NHNN đã đảm bảo thanh khoản hệ thống ổn định. Dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo các TCTD từ nay đến cuối năm phải tập trung củng cố thanh khoản và mong muốn NHNN tiếp tục hỗ trợ thêm cho hệ thống thông qua các công cụ khác nhau, khi đó ngân hàng mới có nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế” - ông Hùng nói.
Nhằm đảm bảo các ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết đồng thuận, lãnh đạo Hiệp hội cho biết sẽ phối hợp các cơ quan chức năng của NHNN theo dõi, đánh giá tổng kết quá trình tổ chức thực hiện đối với ngân hàng cam kết.
Nếu cuối tháng 10, mốc lãi suất 9%/năm chỉ lác đác "đếm trên đầu ngón tay," thì sau đó mức lãi suất này đã được niêm yết ở hàng loạt ngân hàng, có ngân hàng đã áp dụng lãi suất cao nhất lên hơn 11%/năm. Theo TS Nguyễn Minh Phong, thiếu thanh khoản là một trong các nguyên nhân chính khiến ngân hàng thương mại liên tục "đua" tăng lãi suất. Mặt khác, các ngân hàng cũng phải "nhìn nhau mà tăng", nếu không thì dòng vốn sẽ có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.