Du lịch Tết rục rịch vào mùa
Với mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế và 102 triệu khách nội địa trong năm 2023, mùa du lịch Tết Quý Mão 2023 được xem là khởi đầu của ngành du lịch cho năm mới. Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch đã lên kế hoạch “hút” khách không chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán mà còn cả mùa lễ hội Xuân ngay sau đó.
Dù không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận những gì mà du lịch Việt Nam có được trong năm 2022. Hiện nhiều người đang đặt hy vọng vào kỳ nghỉ Tết Quý Mão kéo dài 7 ngày và sau đó là lễ hội Xuân có thể sẽ là một mùa sôi động của ngành du lịch.
Nhiều tour hấp dẫn
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, ngay trong quý IV/2022, nhiều chương trình và sản phẩm du lịch Tết đã được các đơn vị lữ hành xây dựng với giá cả cạnh tranh và tần suất dày đặc. Vietravel, Lữ hành Saigontourist, TSTtourist, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, BenThanh Tourist, Kiwi Travel, Vinagroup... đồng loạt tung cả trăm tour, tuyến, lịch trình du xuân đáp ứng nhu cầu lên kế hoạch sớm của khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hãng hàng không, công ty du lịch đều đã chốt giá và chính thức mở bán vé, tour cho cả dịp Tết Dương lịch lẫn Tết Nguyên đán.
Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết đã mở bán nhiều tour, chùm tour du lịch Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, đến nay đã có hơn 12.000 lượt khách đặt chỗ. Công ty du lịch Vietravel dự kiến sẽ phục vụ gần 190 nghìn lượt khách trong dịp Tết. Trong đó, các tour trong và ngoài nước hiện nay đều được thiết kế theo 3 mốc khởi hành khác nhau gồm trước Tết (27, 28, 29 tháng Chạp), trong Tết (từ mùng 2 tháng Giêng) và cuối Tết (từ mùng 5 tháng Giêng).
Những năm gần đây (trước khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19) xu hướng thay vì một kỳ nghỉ Tết “chỉ ăn và ngủ” nhiều gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ rất hào hứng với các chuyến đi xa vào đầu năm mới. Lý do là bởi Tết có thời gian nghỉ dài, không vướng bận công việc. Dù trong năm vẫn rải rác các ngày lễ khác nhau nhưng không có dịp lễ nào được nghỉ nhiều như dịp Tết Nguyên đán.
Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, những thị trường quen thuộc vẫn thu hút khách đi chơi vào dịp Tết, đó là khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có nhiều địa chỉ quen thuộc như Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang… Nhiều sản phẩm du lịch vùng này đã được nâng cấp, như Sơn La có cầu kính dài nhất thế giới; Hà Giang có sản phẩm mới trekking (đi bộ địa hình) tại vách đá trắng… Cũng theo ông Hoan, du khách cũng đang có xu hướng chọn loại hình tour thiết kế riêng cho nhóm khách và đặt các dịch vụ cao cấp từ 4 - 5 sao cho nhóm khách gia đình từ 5 - 10 khách. Các địa điểm được lựa chọn vẫn là Phú Quốc, Đà Nẵng - Huế, Hà Giang, Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh...
Không chỉ thị trường trong nước, xu hướng “xuất ngoại” du lịch đầu năm cũng được dự báo sẽ tăng. Theo khảo sát từ Tổng cục Du lịch, du khách năm nay có xu hướng chọn những điểm đến gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, liên tuyến Singapore - Malaysia; hay đến vùng Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... với giá tour khá hợp lý, dao động từ 13 đến 25 triệu đồng/người.
Không dễ tìm một kỳ nghỉ trọn vẹn
Mặc dù xu hướng du lịch trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán tăng, tuy nhiên việc tìm được một chuyến đi chơi đầu xuân cũng không dễ dàng. Thực tế cho thấy, vào dịp nghỉ lễ nhiều điểm đến luôn rơi vào tình trạng quá tải. Vấn nạn chèo kéo du khách, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong dịp Tết luôn là bài toán nan giải của đơn vị lữ hành. Đặc biệt, cũng như nhiều ngành khác, doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính và hiện nay đang “đau đầu” tìm nguồn tiền để chuẩn bị dịch vụ. Bởi sau hơn 2 năm thua lỗ vì ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp du lịch vừa cạn tiền lại vừa bị hạ hạn mức tín dụng nên khó tiếp cận các gói vay mới. Ngoài ra, tình hình tỷ giá ngoại tệ tăng liên tục, khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Thực tế cho thấy, mặc dù có nhiều tín hiệu khởi sắc, các tour trong dịp Tết đang “nóng” dần lên nhưng bức tranh toàn cảnh của du lịch vẫn chưa định hình. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, sau dịch Covid-19 thị trường vẫn chưa ổn định. Hiện nay giá vé máy bay và chi phí cũng đều tăng. Nhiều cơ sở dịch vụ mở hạn chế, thiếu nhân lực, chất lượng dịch vụ không được tốt như trước. Chi phí dịch vụ, tour có thể tăng 20-30%, thậm chí cao hơn so với thời kỳ trước dịch. Tình hình thị trường này buộc các công ty du lịch phải có phương án linh động và mang tính thích ứng hơn.
“Ngành du lịch vẫn cần thêm thời gian để phục hồi thị trường tour Tết như thời điểm trước dịch. Chẳng hạn, một số tuyến Đông Bắc Á vẫn chưa được khai thác lại, tuyến châu Âu và Mỹ cũng chưa đa dạng vì một số điểm đến còn hạn chế, đường bay chưa nhiều” - ông Thắng nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là cơ hội vàng để các đơn vị gia tăng doanh thu. Đặc biệt, các đơn vị cần tận dụng thời điểm này để làm sức bật cho năm 2023 bằng cách xây dựng các sản phẩm chất lượng, mang đến sự hài lòng lâu dài cho du khách. Cũng theo ông Bình, các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá; liên kết chặt chẽ để cùng tổ chức bán sản phẩm theo nhóm, nhằm giảm thiểu rủi ro; bám sát thông tin, thị trường nước ngoài từ các đại sứ quán để có hướng điều chỉnh phù hợp, nhất là về chính sách, thủ tục.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023 là có cơ sở, dựa vào tín hiệu hồi phục từ các thị trường lớn. Thực tế các doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn thế bởi nếu trong năm 2023, du lịch Việt Nam đón được từ 8 - 10 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2024 đạt 14 - 15 triệu lượt khách thì mới mong tới 2025 có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trước dịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định, quý I/2023, du lịch nội địa vẫn là cứu cánh cho các doanh nghiệp du lịch và là nguồn thu chính. Chính vì thế, trong dịp Tết năm nay, bên cạnh tour nước ngoài, sản phẩm du lịch nội địa vẫn được các đơn vị tập trung đẩy mạnh.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.