'Phong sát' và lệnh cấm
Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 tổ chức tại Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động đề xuất lên Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử theo hướng “cấm sóng”.
Bà Huyền giải thích: Tức là họ sẽ bị hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng hình ảnh trên các đài phát thanh, truyền hình và môi trường mạng, nôm na là “phong sát”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng mức phạt hiện hành từ 5 - 10 triệu đồng là không đủ sức răn đe.
Đề xuất xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử nhận được sự đồng thuận của dư luận. Hầu hết các ý kiến cho rằng thời gian qua làng giải trí trong nước liên tục xảy ra nhiều scandal ở nhiều lĩnh vực, như: Nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ dùng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, các vấn đề lùm xùm liên quan đến hoạt động thiện nguyện... nhưng xử lý quá chậm và quá nhẹ, trong khi tác hại xấu lan tỏa rất rộng vì họ là “người của công chúng”.
Ở đây xin được “bàn góp” hai điểm.
Thứ nhất, ai được coi là nghệ sĩ để xử phạt khi họ vi phạm? vì khái niệm nghệ sĩ ở đây là không rõ ràng. Thực tế cho thấy danh xưng nghệ sĩ đang bị lạm dụng quá đáng, đến độ có người cho rằng bất cứ ai biết cầm micro cũng là… nghệ sĩ, ca sĩ. Theo chúng tôi, cùng với việc xử lý sai phạm người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, cần bổ sung những người được gọi là “KOL” - viết tắt của từ Key Opinion Leader trong tiếng Anh- để chỉ những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực cụ thể nào đó mà không nhất thiết phải là người hoạt dộng nghệ thuật. Họ có tiếng nói trong một cộng đồng nhất định và được nhiều người theo dõi trên các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội… Do mạng xã hội phát triển, tác động của các KOL tới cộng đồng còn rộng rãi hơn cả những người nổi tiếng chỉ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Vì thế, vi phạm của các KOL cần phải được phát hiện, xử lý kịp thời.
Thứ hai, về từ “phong sát”. “Phong sát” là gì? Từ này phổ biến tại Trung Quốc khi được cho là có “chiến dịch” xử lý sai phạm đối với những nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí nước này. Trong “chiến dịch phong sát” nổi lên những cái tên đình đám như Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng...
Còn trong tiếng Việt, theo nghĩa đen của từng từ, có thể hiểu “phong” là “phong tỏa”, “bao vây”; còn “sát” có nghĩa là “giết hại”.
Vậy thì có nên dùng từ “phong sát” trong trường hợp xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử ở Việt Nam? Theo chúng tôi, nói với nhau “ngoài đời” thì cũng không sao, nhưng trong hoàn cảnh, ngữ cảnh chính thức thì không nên. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng từ tương đương để thay thế “phong sát”. Chẳng hạn từ “lệnh cấm”, để vừa giữ được nội dung, ý nghĩa diễn đạt, dễ hiểu lại vừa giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.