Biến chứng viêm cơ tim: Gần 20% trường hợp đột tử ở người trẻ
Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T. L. (nữ, 37 tuổi) trong tình trạng lơ mơ, vân tím toàn thân, huyết áp không đo được, nhịp tim 180 chu kỳ/phút (người bình thường chỉ 60-100/phút).
Được biết, 2 ngày trước bệnh nhân đang điều trị tại khoa truyền nhiễm, của bệnh viện đa khoa tỉnh với chẩn đoán sốt virus/theo dõi viêm cơ tim.
Bác sĩ Nguyễn Tất Thành - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, xác định đây là trường hợp cấp cứu nguy kịch, bệnh nhân được chuyển ngay vào phòng thủ thuật để theo dõi monitor, chuẩn bị máy sốc điện và đặt ống nội khí quản. Bác sĩ cho biết thêm, điện tim của bệnh nhân có rối loạn nhịp nguy hiểm, nhịp nhanh thất có tụt áp.
Sau nhiều lần sốc điện, kết hợp với các thuốc chống loạn nhịp song tình trạng rối loạn nhịp vẫn dai dẳng, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản an toàn, các thuốc vận mạch được dùng tối đa. Bệnh nhân vẫn tiếp tục được ép tim ngoài lồng ngực hỗ trợ.
Một cuộc hội chẩn đa chuyên khoa diễn ra ngay tại giường bệnh với sự tham gia của 3 chuyên khoa: Hồi sức Cấp cứu, Tim mạch và Phẫu thuật mạch máu. Rất nhanh chóng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim có biến chứng sốc tim - rối loạn nhịp thất.
Quá trình vào máy ECMO thuận lợi, bệnh nhân được ép tim hỗ trợ trong quá trình để duy trì huyết áp tưới máu các cơ quan, đặc biệt là tưới máu não. Sau 30 phút, máy ECMO đã được kết nối với bệnh nhân. Các thông số sinh tồn của bệnh nhân nhờ hệ thống ECMO mang lại phù hợp và đủ để duy trì huyết áp, tưới máu cho các tạng.
Sau hỗ trợ ECMO 96 tiếng, các rối loạn nhịp tim của bệnh nhân được kiểm soát, nhịp tim về bình thường, chức năng tim cải thiện hơn, bệnh nhân được cai dần và ngừng hệ thống ECMO an toàn, không có biến chứng quan trọng nào được ghi nhận. Ngày thứ 5, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, cai máy thở và chuyển sang thở ô xy. 1 ngày sau, bệnh nhân dừng hẳn việc hỗ trợ thở bằng máy, thở thường, tỉnh táo, tiếp tục điều trị tại khoa Tim mạch.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho hay, theo định nghĩa y khoa, viêm cơ tim là tình trạng viêm của tế bào cơ tim. Tình trạng viêm có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim. Viêm cơ tim có thể gây đau ngực, khó thở và nhịp tim nhanh hoặc không đều thậm chí các rối loạn nhịp gây nguy hại đến tính mạng. Nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm là những nguyên nhân gây viêm cơ tim trong đó virus là hay gặp nhất. Đôi khi phản ứng thuốc, hóa trị, xạ trị, tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng có thể gây viêm cơ tim đồng thời tình trạng viêm chung toàn cơ thể (lupus ban đỏ, U hạt Wegener, viêm động mạch tế bào khổng lồ và viêm động mạch Takayasu…) cũng có thể dẫn đến viêm cơ tim.
Theo ông Hiếu, như các diễn biến thông thường của bệnh do virus gây ra, đại đa số các trường hợp viêm cơ tim sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, 4 biến chứng nguy hiểm có thể gặp dẫn đến sự nguy hiểm của bệnh này là suy tim do viêm cơ tim có thể làm hỏng các tế bào của cơ tim khiến nó không thể bơm máu theo đúng chức năng của mình; Thiếu máu cơ tim và các bộ phận quan trọng khác của cơ thể (não, thận..) do việc hình thành cục máu đông gây tắc các mạch máu nuôi các tạng; Rối loạn nhịp tim bởi tổn thương các tế bào dẫn truyền của tim có thể làm thay đổi nhịp đập của tim. Một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập đột ngột, gây tử vong nếu không được điều trị khẩn trương. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp đặc biệt, bệnh nhân đã ngừng tim tại nhà trước khi có sự tiếp cận của nhân viên y tế.
Ông Hiếu cho biết thêm, tỷ lệ tử vong đột ngột do viêm cơ tim ở người lớn vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nghiên cứu, (khoảng 1-9% bệnh nhân đã qua đời được phát hiện có bằng chứng về viêm cơ tim). Tuy nhiên, ở người trẻ tuổi, gần 20% trường hợp đột tử có liên quan đến viêm cơ tim.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, viêm cơ tim thường không có triệu chứng đặc hiệu, chính vì vậy nếu nghi ngờ có biểu hiện bất thường về sức khoẻ như: Mệt mỏi, hồi hộp không giải thích được, đau ngực… người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo, bệnh nhân sau khi điều trị viêm cơ tim có thể tái phát (khoảng 10-15%). Do đó, bệnh nhân sau khi xuất viện cần có lịch tái khám và cố gắng đến theo hẹn cho dù cảm thấy đã hoàn toàn bình thường. Tiếp tục dùng thuốc theo toa khi ra viện. Không chơi thể thao hoặc gắng sức cho đến khi bác sĩ cho rằng có thể. Bệnh nhân cần hạn chế muối trong chế độ ăn uống của mình. Ngừng sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khoẻ trong khi đang theo dõi hậu viêm cơ tim như thuốc lá, uống rượu, bia, chè, cà phê…