Những dấu ấn đặc biệt của ngành Tài nguyên - Môi trường
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 23/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vụ vi phạm pháp luật về môi trường giảm mạnh
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường.
Số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm hơn 65% so với năm 2021. Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh, các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng hơn 11% so với năm 2021…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đáng chú ý, chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường đạt hơn 88%, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục giảm. Trung bình hàng năm cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng chi phí thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành triển khai kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở 56/63 tỉnh, thành phố. Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính…
Đặc biệt, Bộ đã chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng sạch; đồng thời tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và các cơ hội thâm nhập thị trường các nước G7, EU của hàng hóa Việt Nam trước việc áp dung cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), huy động sự hỗ trợ của các định chế tài chính.
Nhận định về năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, những vấn đề khó khăn khách quan vẫn tồn tại, tiếp tục tạo nhiều thách thức tác động đến các quốc gia trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
Phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh hai thùng nước đầy
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2022. Những kết quả toàn diện, nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường đã góp phần quan trọng cùng với Chính phủ, cả nước hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ngành Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò quan trọng, quản lý cơ bản đầu vào của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến mọi mặt đời sống của từng người dân, từng gia đình, vì vậy việc giải quyết hài hòa lợi ích của công cộng, người dân và doanh nghiệp là một trong những thách thức đang được đặt ra.
Để giải quyết hài hòa lợi ích đó, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội xây dựng bộ Luật, hệ thống văn bản dưới Luật về đất đai nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập hiện nay đồng thời đẩy mạnh việc số hóa đất đai, tiến tới thiết lập mã định danh với từng thửa đất.
Phó Thủ tướng khẳng định, phát triển bền vững là định hướng phát triển rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó có sự đột phá của ngành Tài nguyên và Môi trường. Đó là cân đối giữa vùng có động lực phát triển mạnh và vùng khó khăn, hài hòa trong từng bước phát triển thay vì chỉ ưu tiên chỗ thuận lợi thì vẫn dành đầu tư cho vùng khó khăn, dù hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
"Phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh nước ra ngoài", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và nêu rõ yêu cầu phải khơi dậy khát vọng, quán triệt mục tiêu phát triển bền vững, đúng xu thế, tăng cường đổi mới sáng tạo.