Làm gì để đón 8 triệu lượt khách quốc tế?

MINH DUY – HOÀI DƯƠNG 25/12/2022 07:56

Năm 2022, đã không đạt được mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế. Tuy vậy, năm 2023, ngành du lịch vẫn quyết tâm đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá để phát triển du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế - dịch vụ tổng hợp, phát triển ngành một cách tổng thể, hướng đến du lịch xanh và bền vững trong năm 2023.

Khách du lịch ngồi xích lô khám phá Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh

Chưa chớp thời cơ

Nhìn lại hoạt động du lịch năm 2022, với việc mở cửa trở lại từ ngày 15/3, Việt Nam nằm trong danh sách những nước mở cửa sớm nhất khu vực và được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Nhưng Việt Nam đã chưa chớp thời cơ khi hết năm chỉ đón 3,5 triệu khách, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu khách đề ra hồi đầu năm. Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu. Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc không đạt mục tiêu chủ yếu tập trung vào 3 nguyên nhân: Chính sách visa chưa thay đổi để phù hợp hơn với thực tế, thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng và mức độ sẵn sàng đón khách chưa cao. Đáng lưu ý là thủ tục visa đối với khách quốc tế còn bất cập với số quốc gia được miễn ít, thời gian ngắn. Đây được xem là rào cản với khách quốc tế đến Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Hiện Việt Nam miễn visa cho 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian đa phần 15 ngày, một số nước Đông Nam Á 30 ngày trong khi Thái Lan miễn cho 65 quốc gia, với thời gian 90 ngày. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu thực hiện chương trình "Thị thực vàng" kèm thời gian lưu trú đến 20 năm, nhiều quyền lợi để hút khách.

Bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc kinh doanh của Viettours băn khoăn không hiểu tại sao Việt Nam chần chừ trong việc hồi phục các chính sách visa. "Chúng tôi muốn làm visa cho đối tác nước ngoài sang họp mà phải lên mạng đăng ký lấy số trên Cục Xuất nhập cảnh từ 6h sáng rồi tới thứ năm tuần kế tiếp mới được lên nộp hồ sơ", bà Lan thông tin. Hay như hồi tháng 3, ngay sau khi Việt Nam mở cửa, Lux Group có nhóm khách đầu tiên tới Hạ Long. "Họ thuộc diện miễn visa 15 ngày ra vào một lần. Lịch trình của họ là đến Hạ Long, sau đó kết hợp tham quan Campuchia và quay về Việt Nam để nghỉ ở biển Vũng Tàu. Họ đã phải xin visa hai lần, thủ tục phức tạp, có lúc tưởng không thể chốt được", ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết.

Ông Chris Farwell - thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng cho hay một số khách phàn nàn việc xin visa thường bị yêu cầu phải có công ty bảo lãnh, qua đại lý cấp thị thực với phí 200 - 500 USD, trong khi phí chính thức 25 USD. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia không trong diện được xin visa điện tử, thời gian chờ đợi từ 30 ngày và trả tới 800 USD.

Một nguyên nhân khác nằm ở mức độ sẵn sàng đón khách quốc tế chưa tốt sau hơn 2 năm dịch bệnh vì thiếu nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp... Hơn 90% các cơ sở dịch vụ du lịch gồm lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển hầu như phải bắt đầu lại từ đầu nên cần thời gian, nguồn vốn, nhân sự, xây dựng các mối liên kết.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế hàng không Lương Hoài Nam thẳng thắn bày tỏ: Với hơn 100 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu 60 triệu, nhưng du lịch quốc tế lại không như kỳ vọng. Lý do du lịch nội địa tăng trưởng mạnh vì không có rào cản và không có cạnh tranh. Trong khi đó, du lịch quốc tế phải đối mặt với cả 2 vấn đề trên mà Việt Nam chưa có giải pháp.

Nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp hút khách của ngành du lịch chưa đồng bộ, chưa phối hợp chặt chẽ với các ngành khác. Nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch được bàn nhiều tại các hội nghị nhưng vắng các ngành liên quan như ngoại giao, công an, tài chính... Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách chưa được xây dựng trên cơ sở vững chắc, kèm chiến lược và hành động. Ngành du lịch Việt Nam cũng chưa chủ động, linh hoạt và chưa phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan.

Vực dậy bằng cách nào?

Dù vậy, nhiều chuyên gia và nhà quản lý du lịch cho rằng không nên quá quan trọng việc hoàn thành con số mà cần tìm ra nguyên nhân để từ đó xây dựng kế hoạch cho năm mới, kiến nghị giải pháp trình Chính phủ nhằm giúp ngành du lịch tỏa sáng trong năm 2023.

Nhìn sang, Thái Lan đến giữa tháng 8 chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, bằng 1/3 mục tiêu. Sau đó, họ nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ với sự phối hợp từ Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng cục Du lịch bằng chiến lược miễn visa cho khách đến 45 ngày ra vào nhiều lần và kéo dài. "Chúng ta chỉ cần cạnh tranh với Thái Lan. Họ miễn visa bao nhiêu nước, chúng ta miễn bấy nhiêu", chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên kiến nghị và khẳng định: Việt Nam có các thắng cảnh đẹp không thua kém gì các quốc gia khác trong khu vực. Nếu nới rộng hơn nữa chính sách thị thực, chắc chắn khách ngoại sẽ đến Việt Nam ngày một đông.

Bày tỏ câu chuyện du lịch Việt Nam thiếu các sản phẩm độc đáo, ông Nguyễn Ngọc Bích - CEO Công ty Du lịch Mekong Rustic cho hay, hiện các điểm du lịch chỉ đang tập trung vào xây khách sạn, chưa để ý đến xây dựng các sản phẩm mới lạ. Các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội chưa có sản phẩm du lịch đô thị tốt, hút khách. Du khách thích đến Hà Nội và TPHCM, nhưng chủ yếu vẫn chỉ đi tham quan các địa điểm du lịch có sẵn.

Ông Trần Lê Bảo Châu - Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: Đã đến lúc chúng ta thay đổi thông điệp truyền thông đến với bạn bè quốc tế, phù hợp hơn với xu thế mới. "Việt Nam cần xúc tiến các thị trường tiềm năng với thông điệp mới mẻ hơn. Ví dụ “Việt Nam nhiều trải nghiệm” thay vì khẩu hiệu “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” như trước đây" ông Châu gợi ý, đồng thời nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, đặc biệt là với thị trường tiềm năng như: châu Âu, Australia, New Zealand, Canada, tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày và mở rộng cấp thị thực điện tử.

Ông Phạm Hà đồng tình: Thay vì chỉ tập trung vào hoàn thành con số, chúng ta nên làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở dài ngày hơn, khiến họ cảm thấy vui sau chuyến đi, muốn quay lại hay giới thiệu cho bạn bè, người thân về Việt Nam. Năm 2023, ngành du lịch cần đưa ra nhiều chiến lược hút khách như nới lỏng quy định visa, quảng bá điểm đến với bạn bè quốc tế, quản lý tốt các điểm du lịch để tạo hình ảnh đẹp về Việt Nam.

Cần tư duy mới, cách tiếp cận mới

Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay không đạt, ngành du lịch vẫn quyết tâm đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong 2023. Để đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023, Tổng cục Du lịch cho biết sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt...

Để bứt phá lĩnh vực du lịch trong năm 2023, tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, trong cách làm du lịch theo hướng “cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có” để có bứt phá về du lịch trong thời gian tới. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Theo Thủ tướng, việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam. Phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng chỉ đạo phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch, nhất là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, trong đó phải có đột phá phù hợp với tình hình, yêu cầu mới. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng, miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực, du lịch xanh, bền vững… Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển ngành du lịch, khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam, nhất là 9 địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam được vinh danh thế giới.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Nhanh chóng gỡ khó, tạo sức bật cho du lịch

Ở tầm quốc gia, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách chắc hẳn có nhiều cơ sở, dựa vào tín hiệu hồi phục từ các thị trường lớn. Thực tế các doanh nghiệp lại kỳ vọng nhiều hơn thế bởi nếu trong năm 2023, du lịch Việt Nam đón được từ 8 - 10 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2024 đạt 14 - 15 triệu lượt khách thì mới mong tới 2025 có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trước dịch. Tốc độ hồi phục phải mạnh mẽ hơn thì mới có thể giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu ngành du lịch Việt Nam không thể đạt được theo từng phân kỳ như vậy thì chúng ta sẽ không thể bắt kịp được nhịp phục hồi của các quốc gia lân cận. Chỉ cần nhìn sang Thái Lan, ngành du lịch Việt Nam còn phải khắc phục nhiều yếu điểm so với du lịch Thái Lan, nhưng việc cần làm đầu tiên là cánh cửa để du khách đến nước ta phải được rộng mở bằng một chính sách visa như Thái Lan. Cứ mở cửa he hé như lâu nay thì vô phương. Visa là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất của du lịch và hàng không Việt Nam. Bên cạnh đó, câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết giữa các địa phương để tạo nên hệ thống sản phẩm mới hấp dẫn là những vấn đề cần phải quyết liệt tháo gỡ nhanh chóng để tạo sức bật cho du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Châu Á - Tổng giám đốc Công ty lữ hành Chua Me Đất (Oxalis): Du lịch cần đổi mới sản phẩm

Những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch đại trà nhưng chủ yếu phục vụ cho đối tượng là khách trong nước và thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc mà chưa có sản phẩm du lịch mới nào được xây dựng để thu hút khách du lịch phương Tây. Khách Tây thường có nhu cầu trải nghiệm khác khách phương Đông. Trong khi đó, nước ta vẫn sử dụng những sản phẩm du lịch truyền thống, đã có nhiều năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu hụt các sản phẩm du lịch đô thị, sản phẩm du lịch hiện đại để thu hút nhiều du khách thế hệ trẻ đến trải nghiệm. Do đó, cần hình thành ban chỉ đạo cấp Chính phủ về phát triển sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu từng thị trường, nghiên cứu các cơ chế chính sách để hỗ trợ các sản phẩm du lịch mới, hiện đại.

MINH DUY – HOÀI DƯƠNG