Sức mạnh của âm nhạc
Nhớ về 12 ngày đêm của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ” năm 1972, không thể quên vai trò của âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Với riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông là một nhân chứng sống, đồng thời đã viết hai ca khúc trong 12 ngày đêm lịch sử đó.
Trong căn phòng trên tầng 3 ở khu tập thể Vạn Bảo (Hà Nội), với rất nhiều kỷ vật, giải thưởng liên quan đến cuộc đời âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, khi diễn ra trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ông đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. “Hai bài hát ra đời trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, tôi viết để nói lên tình cảm của mình là chính, nhưng đồng thời nó cũng rất hòa nhập với tình cảm của người dân Hà Nội lúc ấy. Tôi chỉ sáng tác khi nào tình cảm của người viết đồng cảm với mọi người thì sẽ có sức lan tỏa”, nhạc sĩ nhớ lại.
Ở bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ”, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gửi gắm nhiều tâm sự cá nhân trong đó, nhưng tài năng của ông cũng đã thể hiện, khi nói về cái riêng nhưng đồng thời cũng toát lên tình cảm chung của rất nhiều người. Nhạc sĩ nhớ lại: “Hồi đó tôi đang ở khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Đại La. Ngày 19/12/1972, Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, chúng ném bom vào Đài phát thanh ở Mễ Trì lúc 4h sáng. Trưa hôm đó, không quân Mỹ lại ném bom Đài phát sóng ở Bạch Mai và khu tập thể Đại La của chúng tôi ở. Đến sáng sớm ngày 22, đế quốc Mỹ lại ném bom rải thảm, lần này chúng đã biến khu tập thể của chúng tôi ở 126 Đại La thành một đống gạch vụn, nhà của tôi cũng dính bom tan tành, sách vở cháy nham nhở, cây đàn piano vỡ tung… May mà vợ con tôi lúc đó đã đi sơ tán rồi. Chính thời điểm đó tôi có cảm xúc rất lạ, xót xa xen lẫn tự hào. Đêm hôm ấy, ngồi trong căn hầm tôi đã viết bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ”, thầm gửi tình yêu thương nhớ nhung đến vợ con lúc đó đang ở nơi sơ tán”.
Nhạc sĩ cho biết, khi viết bài hát “Hà Nội, Điện Biên Phủ” ông đã có sự “chuyển tông” thông qua lời ca và giai điệu. Sự “chuyển tông” này, có nguyên do. Đó là từ sự kiện đêm 26/12/1972, Mỹ lại ném bom dữ dội ở Hà Nội, đến mức mà trong buổi sáng giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày hôm sau (27/12/1972), cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo là phải kiên quyết chống lại địch, chúng ta phải dành cho địch một trận Điện Biên Phủ trên không. “Nghe từ “Điện Biên Phủ” lúc đó tôi thấy nó có một ý nghĩa rất khác, có sức lay động kì lạ. Đêm hôm ấy tôi đã ngồi trong hầm ở 58 Quán Sứ viết bài “Hà Nội, Điện Biên Phủ” với âm điệu hoàn toàn không du dương như bài “Hà Nội những đêm không ngủ”, mà rất quyết liệt”, nhạc sĩ chia sẻ.
Sau khi hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Phạm Tuyên đạp xe đến tòa soạn báo Nhân dân để gửi. Lúc đó cả tòa soạn đã đi sơ tán, chỉ còn mấy người ở lại trực, nhận tin bài.
“Trong những người ở lại, tôi thấy anh Thép Mới - lúc đó là Phó Tổng biên tập và anh Hữu Thọ đang ngồi dưới gốc cây đa”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại. “Thấy tôi mang bài hát tới, các anh yêu cầu tôi hát cho các anh nghe. Nghe xong, các anh ấy bảo tôi phải chép lại để đưa in luôn. Tôi thấy chữ tôi chưa đẹp, nên tôi mang về và nhờ nhạc sĩ Phan Nhân chữ đẹp hơn tôi chép lại và đưa sang báo. Đến ngày 29/12/1972, báo Nhân dân in bài hát “Hà Nội, Điện Biên Phủ” với nét chữ chép tay rất đẹp của nhạc sĩ Phan Nhân. Buổi chiều thì bài hát được thu thanh và sau đó được truyền đi qua làn sóng phát thanh trong chương trình Tiếng hát về Nam. Những ngày sau đó, ca khúc “Hà Nội, Điện Biên Phủ” được các đoàn văn công, các đoàn dân quân tự vệ hát rất hào hùng. Đầu năm 1973 tôi mang bài hát này lên khu sơ tán, ngày hôm sau Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam dựng thành hợp xướng, người lĩnh xướng là nghệ sĩ nhân dân Trần Khánh, thì lúc ấy sự truyền cảm của bài hát mạnh hơn nhiều”.
Cũng theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, sức mạnh của âm nhạc nhiều khi không lường được hết. “Phải sống trong những giây phút như thế mới hiểu được sức mạnh của âm nhạc, thấy đó là sợi dây kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh lớn lao. Trong những năm kháng chiến, chức năng quan trọng nhất của âm nhạc là cổ vũ động viên là rất quan trọng. Nó sẽ trở thành sức mạnh nếu âm nhạc nói lên tiếng nói của mọi người, của cộng đồng lúc ấy”- nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự.
Là nhân chứng của những ngày Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng nhiều nhạc sĩ khác đã kiên quyết bám trụ ở Đài Tiếng nói Việt Nam, dù bom đạn ác liệt đến đâu. “Chúng tôi ý thức rất rõ về tác dụng của lời thơ tiếng nhạc trên làn sóng trong những ngày cuối năm 1972 ấy đối với đồng bào cả nước”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.