Rối loạn sức khỏe tâm thần
Các rối loạn tâm thần, rối loạn về cảm xúc dễ bị che đậy bởi các yếu tố không nhận thức được. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, thua độ bóng đá, thua lỗ trong đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đất đai… được cho là nguyên nhân chính. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.
Có nhiều loại rối loạn tâm thần
TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn tâm thần là một vấn đề rất lớn của xã hội hiện đại, bao gồm: Trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn phát triển bao gồm tự kỷ. Rất nhiều trường hợp tự sát vì chuyện tình cảm, vì mâu thuẫn cá nhân, vì áp lực học tập.
Còn theo BSCKII Trần Minh Khuyên - Trưởng khoa Tâm thể, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM, những năm gần đây, độ tuổi các bệnh nhân bị mắc vấn đề rối loạn tâm lý ngày càng trẻ hóa, số lượng thanh thiếu niên có biểu hiện căng thẳng, lo âu, trầm cảm… tăng lên rất nhiều. Xã hội phát triển, các khủng hoảng tâm lý cũng tăng lên theo nhịp độ cuộc sống. Thế nhưng, nhiều phụ huynh và chính bản thân trẻ coi việc thừa nhận mình có vấn đề tâm lý, phải đến các phòng khám là điều đáng xấu hổ.
Rất ít phụ huynh hiểu biết về bệnh tâm lý; đa số phụ huynh không tin, không hiểu con đang gặp vấn đề. Các em không nói chuyện được với phụ huynh chủ yếu do khoảng cách gây nên bởi áp lực gia đình. Nhiều em rạch cổ tay đầy sẹo; thế nhưng dù bác sĩ kê đơn, phụ huynh vẫn không chấp nhận, cho rằng trẻ đang ở tuổi dậy thì, thích thể hiện, làm quá lên. Hoặc có khi phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ nhưng trẻ lại không hiểu tình trạng của mình. Thường bác sĩ phải dặn phụ huynh nói với con đây chỉ là buổi tư vấn, trò chuyện bình thường, vì nếu nói đi khám tâm lý thì các em không hợp tác.
Nhận biết để phòng ngừa và chữa trị
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.
Nhận thức về tâm thần của chúng ta ngày một tiến bộ hơn, trước đây những biểu hiện rối loạn tâm thần thường bị kỳ thị, che đậy. Tuy nhiên, nếu so sánh về mức độ phát triển, biến động xã hội thì nhận thức này vẫn chưa theo kịp. Đặc biệt dưới góc độ y tế, với quy mô quần thể dân cư Việt Nam thì chúng ta còn thiếu hụt các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên ngành về tâm thần.
Xã hội phát triển thì các quan hệ sẽ càng phức tạp hơn, mâu thuẫn trong các cộng đồng dân cư sẽ là đa phương thức, đa chiều. Việc làm ăn ngày càng lớn hơn, các trận cá cược cũng tinh vi hơn, mâu thuẫn gia đình sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Đó là những áp lực bùng nổ của cuộc sống hiện đại mà rất dễ dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân. Chúng ta vẫn còn thiếu hụt thông tin truyền thông và kiến thức cho nhân dân nên những các kiến thức về chuyên ngành tâm thần vì thế, khi đến bệnh viện thường đã quá muộn.
Theo BS Nguyễn Văn Dũng, áp lực của cuộc sống là liên tục suốt cả cuộc đời của một con người. Người ta tính rằng, có đến 50% số người sẽ bị rối loạn cảm xúc ít nhất một lần trong đời. Tùy theo từng lứa tuổi, từng ý nghĩ và hành vi tự sát để cho bác sĩ chuyên ngành cũng như bác sĩ nói chung có thể cấp cứu bệnh nhân.
Với các cháu nhỏ, việc suy luận, phán đoán còn lệch lạc chưa đáp ứng được với thời cuộc, cái tôi lớn. Cháu đó có thể bột phát có những hành vi hủy hoại, dần dần tích lũy và trở thành mưu toan tự sát và tự sát. Vì thế, chúng tôi phải tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân về trạng thái bình thường, xóa đi những ý tưởng tự sát. Cụ thể, các gia đình phát hiện thấy cháu có những biểu hiện như mất ngủ, lo lắng, thu mình, né tránh, giảm tính tự trọng thì nên đưa con em mình đi khám chuyên khoa.
BS Dũng khuyến cáo mọi người hãy tạo dựng một cuộc sống thanh bình, tránh tạo áp lực quá lớn cho bản thân. Ngoài ra, cũng cần vệ sinh giấc ngủ thật tốt, ngủ đủ từ 7 đến 10 tiếng trong một ngày và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.