Ghe ‘vượt cạn’ miền sông nước

ĐOÀN XÁ 25/12/2022 07:59

Những chiếc ghe xuồng của người dân băng băng qua các con đường (lộ) đất đá, trải nhựa là hình ảnh quen thuộc, gắn bó với người dân ở vùng thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã nhiều năm qua. Và đây có lẽ cũng là nơi duy nhất cả nước còn có những cách di chuyển độc đáo như vậy.

Mỗi lần di chuyển tiền phí khoảng 10 ngàn cho ghe vỏ lãi nhỏ.

Ghe thuyền băng băng “vượt cạn”

Lần đầu tiên chứng kiến ghe thuyền di chuyển trên cạn, chúng tôi rất bất ngờ và thích thú. Bắt nguồn từ đặc tính tự nhiên là nhiều kênh rạch đan xen nằm ở ven biển, sau khi được Nhà nước xây dựng các cống ngăn mặn để đảm bảo tưới tiêu, gieo trồng trong ruộng đồng. Những chiếc cống ngăn mặn này vô tình cản trở tuyến đường thủy có từ hàng trăm năm trước nên người dân nơi đây bắt đầu nghĩ cách di chuyển ghe băng qua cống. Đó chính là lý do những chiếc cầu kéo ra đời.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Năm Giỏi, một người ở khu vực kênh Rạch Ruộng cho biết, những chiếc cầu kéo bằng ròng rọc này do một nông dân ở dưới Đầm Rơi phát minh ra. “Ngày xưa ở đây nhiều cầu kéo như thế này lắm nhưng bây giờ giảm đi nhiều, quanh khu vực Sông Đốc chắc chỉ còn dăm cái thôi. Bù lại cầu kéo giờ chạy bằng máy nổ có thể kéo được những ghe xuồng lớn, thậm chí cả sà lan chừng 15 tấn. Những đợt cống đóng lại ngăn mặn như hiện nay, mỗi ngày có vài chục lượt ghe thuyền qua đây. Nhưng vậy là còn ít, chục năm trước thì ghe có cả trăm cái đó”, ông Năm Giỏi chia sẻ thêm.

Theo ông Năm, thói quen di chuyển bằng ghe thuyền của người dân Sông Đốc có từ hàng trăm năm trước, khi vùng đất này vẫn còn hoang vu. Sau này, dù đường lộ trải nhựa, bê tông rồi các công trình cống ngăn mặn mọc lên, thói quen di chuyển bằng ghe vẫn còn do nhiều gia đình có nhà cửa nằm ở sâu trong đồng, phía kênh rạch sau cống. Ngoài ra, nghề biển, nghề sông nước vẫn là cách mưu sinh phổ biến của thị trấn ven biển Tây Nam này nên việc di chuyển bằng ghe thuyền vẫn được ưa chuộng. Có một cảm giác khi tới thị trấn nhỏ bé này là người dân di chuyển bằng ghe vỏ lãi nhiều hơn cả xe gắn máy. Hầu hết các con kênh, sông ở đây ghe vỏ lãi chạy ngược xuôi tấp nập, neo đậu phía sau nhà. Và không chỉ ở sông kênh, ngay cả phía cửa biển, nhiều ghe vỏ lãi vẫn có thể chạy băng băng được, khác với những vùng biển miền Trung sóng lớn, chỉ ghe thuyền lớn mới ra được.

Ngồi lại cùng ông Năm một lúc, chúng tôi thấy một chiếc ghe vỏ dài chừng 10 mét chạy tới. Trên ghe là mấy người thanh niên chạy từ trong đồng ra phía chợ ngoài thị trấn Sông Đốc. Lúc này, ông Năm mở máy để chiếc cầu thép dài chừng 4 mét, ngang khoảng 2 mét lăn theo bánh xe trên đường ray chìm xuống nước. Người điều khiển ghe phải chạy đúng vào gờ trên chiếc cầu và dừng lại. Sau đó chiếc cầu sẽ được hệ thống ròng rọc kéo từ từ băng qua mặt đường, sang phía bên kia rạch. Mỗi lần như vậy thời gian chỉ chừng 2 phút đồng hồ, khá nhanh gọn và tiện lợi.

Về giá cả mỗi lần kéo như vậy, ông Năm bảo ghe nhỏ như vừa nãy thì giá 10 ngàn đồng, ghe gỗ nhỏ hơn thì 8 ngàn. Những ghe lớn thì giá 20 hay 50 ngàn đồng. Riêng sà lan trên 10 tấn tải trọng thì 100 ngàn đồng. Theo ông Năm, cống ngăn mặn ở đây được xây dựng gần 20 năm trước. Và đó cũng là lúc chiếc cầu kéo di động này được hình thành. Cầu được thiết kế đảm bảo an toàn giao thông cả trên bộ lẫn dưới nước và được chính quyền địa phương cấp phép, chấp thuận. Sau đó người dân tham gia đấu thầu khai thác cầu, như các phương tiện đường thủy khác có cam kết đóng thuế cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, ngay cả thời gian cống ngăn mặn mở lên (sông kênh có dòng chảy tự nhiên bình thường) thì nhiều ghe thuyền lớn vẫn chấp nhận di chuyển qua cầu kéo này vì an toàn và tiện lợi hơn. Bởi lúc cống mở dòng chảy thường xiết, nên nhiều ghe thuyền không thể qua lại được.

“Đặc sản” nơi cuối trời Tổ quốc

Sông Ông Đốc ngắn nhưng rộng, bắt nguồn từ ngã ba với sông Trẹm rồi chảy ra vịnh Thái Lan chỉ vỏn vẹn vài chục cây số nhưng đã trải qua bao thăng trầm lịch sử. Hiện nay, thị trấn Sông Đốc là một trong những đô thị nhỏ nhưng sầm uất nhất của vùng ven biển phía Tây với hàng ngàn ghe thuyền làm nghề biển của ngư dân.

Khi tới vùng đất Cà Mau, ít người biết rằng, nơi đây còn một đặc sản đặc biệt là những chiếc “ghe bay”. Đó là cách di chuyển độc đáo khi ghe thuyền băng qua những con đường đất đá, trải nhựa ngăn cách mặt nước.

Theo những chủ ghe thuyền ở đây, nếu không có những chiếc cầu kéo như vậy, quãng đường ghe thuyền phải di chuyển sẽ dài hơn rất nhiều. “Nhà tôi ở phía trong đồng bên kia kênh Cây Dừa, thường chạy ghe ra chợ thị trấn mua vải, quần áo với đồ nhựa về nhà bán lại cho bà con bên đó. Mình đi qua cầu kéo này thì chỉ mất 20 ngàn đồng cả đi lẫn về. Nếu không phải vòng qua phía kênh Tắc Thủ rất xa tốn thêm tiền dầu nữa. Mà không phải ngày nào cũng ra thị trấn đâu, cứ 5 ngày mới ra lấy mối hàng một lần”, bà Nguyễn Thị Tư (66 tuổi) chia sẻ.

Theo bà Tư thì đi ghe rất tiện lợi và quen. Bà biết đi ghe từ lúc còn bé xíu nên giờ không biết đi xe máy. “Ngày xưa phải chèo, giờ có ghe máy chạy tiện lắm. Tôi đi ghe thì quen chứ chạy xe máy lại không được. Mùa này gió chướng từ biển tràn về rồi, đi ghe không dám chở nhiều. Gần Tết rồi, mình lấy thêm cả bông giấy, bông xốp về bán cho tụi nhỏ gắn lên cây chơi. Mấy năm trước có đứa cháu gái nó hay chở hàng giùm nhưng hồi đầu năm nó theo chồng về trên mạn Thới Bình rồi, giờ mình phải tự chạy ghe thôi”, bà Tư chia sẻ thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, với những ghe quen thuộc ở cầu kéo này thì khi di chuyển từ trong kênh ra, ông Năm sẽ không lấy tiền mà đợi lúc về mới tính tiền. Bởi đây là những ghe quen biết. Và cách lấy tiền khi qua cầu kéo của ông cũng rất khác lạ. Ông dùng một cây gậy bằng nứa dài 4 mét, có gắn một chiếc giỏ nhỏ như người ta hái trái cây trên cao. Khi ghe đi qua, ông vừa điều khiển ròng rọc, vừa căn chính xác điểm dừng để kéo ghe qua vừa chìa chiếc giỏ ra để chủ ghe bỏ tiền vào đó.

Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều cách vượt sông ngòi, kênh rạch của người dân miệt đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang rộng lớn này. Từ những chuyến phà qua dòng Cổ Chiên mênh mông cho tới những chuyến đò nơi thượng nguồn sông Sở Thượng giáp biên giới hay những cây cầu khỉ mỏng manh đâu đó xứ dừa Bến Tre. Nhưng chưa có nơi đâu, người dân có cách vượt sông kênh độc đáo như ở xứ Cà Mau. Và có lẽ những chiếc cầu kéo này cũng là duy nhất cả nước, giúp ghe thuyền có thể băng qua những tuyến đường lộ như vậy.

ĐOÀN XÁ