Chủ động, sáng tạo để vươn lên - Bài 2: Những mô hình công nghiệp được nhân rộng

QUỐC ĐỊNH 10/12/2022 15:00

Giai đoạn mới tách tỉnh, việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp đóng vai trò rất quan trọng đối với Bình Dương. Nhờ những chính sách mở cửa của Đảng và nhà nước về khu công nghiệp, cùng với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở phía bắc TP HCM, Bình Dương đã nắm bắt cơ hội, triển khai phát triển thành công các khu công nghiệp (KCN).

Xây dựng “chính quyền thân thiện”

Để phát triển công nghiệp và các KCN ở vị trí xa TP HCM hơn, Bình Dương cần tìm kiếm một mô hình mới tổng thể, toàn diện, không chỉ giúp phát triển công nghiệp đơn lẻ, mà đồng thời phải phát triển được hệ thống dịch vụ, đô thị,… nhằm tạo ra một môi trường đáng sống cho nhà đầu tư, cho người lao động và cả những người dân xung quanh.

Xác định rõ các yếu tố đó, với cầu nối là Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, cộng với sự nhiệt tình năng động của lãnh đạo tỉnh thời kỳ này, Công ty liên doanh KCN Việt Nam - Singapore VSIP được hình thành giữa doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương và đối tác Singapore. Đây là một bước đi chiến lược với một đối tác uy tín, có kinh nghiệm triển khai các dự án ở quy mô quốc tế, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu, đã giúp Bình Dương học hỏi về cách thức phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và xúc tiến đầu tư của tỉnh ra toàn cầu.

Tuy nhiên, việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để chuẩn hóa quá trình xây dựng và vận hành khu công nghiệp, cũng như xúc tiến thu hút đầu tư về Bình Dương là chưa đủ.

Những KCN quy mô lớn, khang trang được mọc lên đã góp phần quan trọng làm thay đổi “bức tranh kinh tế” của Bình Dương.
Những KCN quy mô lớn, khang trang được mọc lên đã góp phần quan trọng làm thay đổi “bức tranh kinh tế” của Bình Dương.

Bình Dương đã tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng mô hình Ban Quản lý các khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước. Mô hình này ngay lập tức phát huy được hiệu quả, tạo ra sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, giúp gây dựng một hình ảnh thân thiện của chính quyền trong mắt các nhà đầu tư.

Việc hình thành mô hình Ban Quản lý các KCN giúp đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động theo cơ chế “một cửa”; đảm bảo tính minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một chủ trương lớn của tỉnh.

Sự ra đời của liên doanh KCN Việt Nam - Singapore đã mang đến cho Bình Dương một góc nhìn mới, một mô hình chuẩn mới, dần hình thành khái niệm “phát triển không chỉ có công nghiệp”, các khu công nghiệp sẽ không thể tồn tại một các bền vững nếu như đan xen với nó không có các khu đô thị cao cấp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, các khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động có thu nhập thấp và các khu tái định cư phục vụ những người dân trong diện đền bủ giải tỏa, ngoài ra còn là hệ thống các dịch vụ tiện ích xã hội như y tế, trường học, dịch vụ xã hội khác.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC cho rằng, ở khuôn khổ một liên doanh sẽ không thể thực hiện hết tất cả các nhiệm vụ nêu trên, trong đó có bao hàm cả nhiệm vụ chính trị và hi sinh cho trách nhiệm xã hội. Nhận thức điều đó, những doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương đã học hỏi, đúc kết được những tinh túy trong mô hình phát triển công nghiệp của Singapore, từ đó bổ sung và tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm tổng kết hóa một mô hình chuẩn phù hợp với Việt Nam để chia sẻ và nhân rộng ra cả nước.

Với điểm tựa và nền tảng cộng hưởng của Bình Dương đã tạo lên sự thành công của mô hình VSIP. Từ một khu công nghiệp VSIP đầu tiên với diện tích 500 ha tại Thuận An; đến nay, VSIP đã phát triển 11 dự án với tổng quỹ đất gần 10.000 ha tại miền Nam (Bình Dương), miền Bắc (Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương) và miền Trung (Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Định, Quảng Trị). Liên doanh đang cung cấp hạ tầng sản xuất cho 880 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 17 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 295 ngàn lao động trong nước và nước ngoài. Khu công nghiệp VSIP đã trở thành mô hình chuẩn về phát triển KCN xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Trung tâm hành chính tập trung và Khu hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương.
Trung tâm hành chính tập trung và Khu hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương.

Kiên trì “trải chiếu hoa”

Bình Dương tiếp tục chủ trương ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tạo đà cho sự ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thống kê giai đoạn 1997 - 2000, Bình Dương có 7 KCN tổng diện tích hơn 1.600 ha, gồm: Sóng Thần 1 và 2, Bình Đường, Việt Hương, Đồng An, Tân Đông Hiệp, Việt Nam - Singapore (VSIP).

Từ con số khiêm tốn ấy, đến nay Bình Dương đã có khoảng 30 KCN, trong đó 27 KCN đang hoạt động với diện tích gần 13 ngàn và hơn 10 cụm công nghiệp diện tích gần 1.000 ha. Hết tháng 10/2022, tỉnh đã thu hút được trên 4 ngàn dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn khoảng 40 tỷ USD (tăng gấp 30 lần về số dự án và số vốn so với năm 1997) và gần 50 ngàn doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh, tổng vốn hơn 43 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 40 lần về doanh nghiệp và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997). Đó là kết quả của hàng chục năm kiên trì thực hiện chủ trương “trải chiếu hoa” mời gọi nhà đầu tư bằng cơ chế thông thoáng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh cùng đồng hành, kịp thời giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư.

Một trong những điểm nhấn về phát triển công nghiệp ở Bình Dương là xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với mục tiêu hình thành các KCN, khu dân cư và dịch vụ cao cấp trên diện tích 4.196 ha, tổng vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng, khởi công ngày 12/10/2004. Đến nay đã có 6 KCN tập trung đi vào hoạt động, khu dịch vụ 678 ha đã triển khai một số dự án. Tâm điểm của Khu liên hợp là Thành phố mới Bình Dương, năm 2014 tỉnh khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tập trung tại trung tâm Thành phố mới - được xem là biểu trưng cho quá trình bứt phá đi lên của Bình Dương.

Sau quá trình phát triển, Khu liên hợp đã đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh, trực tiếp tái cấu trúc lại khu dân cư nông thôn trước đây quy hoạch lại hiện đại. Các khu đô thị cao cấp cho các chuyên gia, khu nhà ở xã hội, khu tái định cư, hệ thống đường giao thông, cũng như thu hút các nhà đầu tư về đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân.

Khu liên hợp được quy hoạch và áp dung mô hình TOD (Transit Oriented Development), đây là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng, mô hình này từ lâu đã được nhiều đô thị áp dụng để phát triển đô thị, gắn với kế hoạch với sử dụng đất và đã mang lại nhiều thành công. Mô hình TOD đã phổ biến ở các nước phát triển như ở Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Bình Dương đã áp dụng TOD từ khi bắt đầu xây dựng thành phố Mới Bình Dương vào 2010, TOD đã cho thấy tính ưu việt của nó trong việc để dành quỹ đất cho không gian giao thông công cộng, qua đó giảm chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông công cộng trong tương lai. Việc chuyển đổi một vùng đất nông nghiệp, quy hoạch tự phát kiểu làng xã sang mô hình quy hoạch hiện đại đã phổ biến và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu là một thành quả lớn của đề án xây dựng Khu Liên hợp, hình thành một phương thức cũng như định hướng quy hoạch lâu dài cho toàn tỉnh.

Trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển Khu liên hợp, lãnh đạo Bình Dương nhận thấy những bất cập và sự cần thiết trong việc cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và đặc biệt là nhà đầu tư, vì vậy, trong giai đoạn đầu của dự án, Bình Dương đã tập trung vào việc cải cách và hình thành Trung tâm hành chính tập trung, Khu Triển lãm Hội nghị tỉnh Bình Dương, với mong muốn đóng góp vào việc thay đổi, xây dựng hành chính một cửa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như là chào đón nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Dương.

Đã có nhiều sự kiện quốc tế được tổ chức tại đây qua nhiều năm, tiêu biểu như Diễn đàn kinh tế Châu Á Horasis Asia đã được tổ chực tại Khu triển lãm Hội nghị tỉnh Bình Dương nhiều năm.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đánh giá: “26 năm qua, việc phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư là một thành công giúp Bình Dương từ một tỉnh nghèo trở thành thủ phủ công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

QUỐC ĐỊNH