Chạy đua tuyển dụng lao động
Bên cạnh nhiều ngành, lĩnh vực giảm nhân lực thì thị trường ghi nhận nhiều ngành nghề đang tăng tốc tuyển dụng lao động. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thị trường lao động cuối năm.
Tăng tốc tuyển dụng
Tham gia phiên giao dịch việc làm trong khuôn khổ Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động diễn ra tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mới đây, bà Vũ Thị Tú Anh - Trưởng nhóm tuyển dụng, Công ty Cổ phần MediaMart cho biết, đơn vị này đang có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn, đặc biệt là ở khối trung tâm.
“Cuối năm, chúng tôi tuyển dụng nhân viên bán hàng, thu ngân, giao hàng để tăng cường cho các hoạt động dịp Tết khi nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng lên. Mức lương cơ bản đối với vị trí bán hàng từ 4,3 triệu đồng chưa tính thưởng doanh số, hoa hồng, thu ngân từ 6 triệu đồng trở lên…” - bà Tú Anh cho biết.
Dù vậy theo bà Tú Anh việc tuyển dụng không hề dễ dù công ty đã vận dụng phương thức tuyển dụng trực tiếp cùng với gián tiếp trên mạng xã hội.
Tương tự bà Hoàng Thanh Hà, Công ty Dịch vụ mặt đất Sân bay Việt Nam (VIAGS) cho biết từ giờ đến đến đầu quý I năm 2023 công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 nhân viên, chấp nhận sinh viên mới ra trường với mức lương thấp nhất từ 6 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa tuyển đủ nhân sự.
Chia sẻ về việc tuyển dụng nhân sự, ông Cheng Ming Chun - Quản lý cao cấp Công ty Inventec Appliances Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội), cho biết, đang có nhu cầu tuyển dụng 2.000 người, bao gồm 1.800 lao động trực tiếp và 200 lao động gián tiếp. Mức lương công nhân 7 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tăng ca và các chế độ thưởng; lương nhân viên văn phòng từ 10 – 30 triệu đồng. Để chuẩn bị đủ nguồn nhân lực hiện công ty đã gấp rút chạy đua tuyển dụng cho kịp tiến độ.
Báo cáo mới đây của Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, để kịp cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các ngày lễ lớn, các đơn hàng năm 2023, nhiều ngành, nghề lại đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm như: TPHCM có nhu cầu tuyển 25.000 lao động, Hà Nội có nhu cầu gần 28.000 lao động, Bắc Ninh khoảng 20.000 lao động, Đồng Nai khoảng 12.500 lao động...
Ngay tại các địa phương có doanh nghiệp bị giảm đơn hàng vẫn có doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng. Đơn cử như tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên - Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, tình trạng doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vẫn song song. Theo thống kê từ đầu tháng 10/2022 đến nay, trên địa bàn có gần 200 doanh nghiệp có đăng ký tuyển dụng với trung tâm dịch vụ việc làm, với số lượng hơn 4.700 lao động.
Tăng cường kết nối, điều tiết thị trường
Tại Hà Nội, theo Sở LĐTB&XH, nhu cầu tuyển dụng cuối năm cũng tăng cao. Hiện nay có khoảng 3.575 doanh nghiệp đang có nhu cầu với 27.891 lao động; trong đó, riêng lao động phổ thông 1.066 người. Tính theo ngành nghề, có 800 vị trí tuyển dụng trong ngành dệt may, da giày; điện tử cần hơn 300 lao động; chế biến thủy sản 79 lao động; sản xuất gỗ, khai thác 506 lao động… Ngoài ra, nhiều ngành nghề dịch vụ, khách sạn, ăn uống nhu cầu tuyển dụng cuối năm cũng rất cao.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi), nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh lên tới khoảng 17.000 người; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tuyển dụng gần 8.000 người và tuyển dụng ít nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản...
Trước bối cảnh trên, nhằm kết nối cung – cầu các địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm. “Trong tháng 12/2022, trung tâm tổ chức 7 phiên, sàn giao dịch việc làm; phối hợp Bộ Tư lệnh tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Ngoài ra sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm hàng ngày tại trung tâm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp; qua kênh mạng xã hội cũng như tại doanh nghiệp cắt giảm lao động” – đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh thông tin.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, việc làm thì nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tăng cao rất phù hợp để những người lao động này có thu nhập chuẩn bị cho Tết và cũng là đóng góp vào thị trường lao động đang thiếu nhiều nhân lực.
Theo ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) đảm bảo việc làm, thu nhập để giữ chân lực lượng lao động bị mất việc tiếp tục tham gia thị trường lao động đóng vai trò quan trọng trong thời điểm này. Bởi lẽ, khi những khó khăn của ngành sản xuất qua đi, các doanh nghiệp sẽ cần có sẵn lực lượng lao động để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.