Người tiên phong làm giàu ở bản Cây Bông
Ngoài làm tốt công tác dân vận, ông Hồ Văn Pan còn là một điển hình tiên tiến trong làm kinh tế giỏi, cũng như giúp đỡ nhiều người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hành trình lập bản
Ông Hồ Văn Pan (72 tuổi, trú tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là một trong những người có uy tín ở bản Cây Bông và là tấm gương cho nhiều người noi theo trong phát triển kinh tế. Ông Pan nguyên là Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy những năm 1993-2010. Trong ngôi nhà khang trang, ông Hồ Văn Pan kể cho chúng tôi nghe về hành trình mở đất, lập bản Cây Bông đầy gian khó của mình.
“Khoảng năm 1980, người Bru-Vân Kiều chúng tôi sinh sống trong những cánh rừng già giữa đại ngàn. Về sau, cuộc sống quá khó khăn, tôi cùng những người có uy tín trong bản quyết tâm đi tìm vùng đất mới. Mới đầu, bản Cây Bông chỉ có vài hộ sinh sống, nghề nghiệp chính dựa vào rừng và vài sào lúa rẫy, lúa nước vì thế mà cái nghèo cứ đeo bám mãi” - ông Pan mở đầu câu chuyện.
Theo ông Pan, năm 1982, khi người Bru-Vân Kiều đã ổn định cuộc sống, Nhà nước đầu tư xây dựng cho bản Cây Bông một con đập để tích trữ nước giúp bà con phát triển nông nghiệp. Từ khi có đập, người dân ở bản đã mạnh dạn trồng lúa nước để đảm bảo lương thực và nhận đất rừng, phát triển chăn nuôi gia súc.
Theo ông Pan, để thoát nghèo vươn lên làm giàu, về lâu dài người dân phải trồng được rừng tốt, canh tác lúa nước, chăn nuôi bầy đàn gia súc... Sau nhiều đêm trăn trở, với vốn liếng có được sau bao năm tích góp, ông Pan mua bò giống về chăn nuôi phát triển kinh tế. Chính từ những con bò đầu tiên, gia đình ông đã mở rộng sản xuất sang trồng trọt và nuôi thêm lợn, gà… đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Ngoài ra, ông Pan còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cũng như kiến thức trong sản xuất để định hướng phát triển kinh tế gia đình trước mắt và lâu dài.
Ông cũng thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi cán bộ khuyến nông của xã, huyện, đặc biệt thường xuyên trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các hộ gia đình khác trong quá trình đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất. Nhờ đó đã đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được, bản thân ông đã mạnh dạn đầu tư một số khâu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như thâm canh diện tích trồng lúa nước và chọn những loại giống có năng suất cao vào vụ Đông Xuân và Hè Thu. Ngoài ra, ông Pan còn đầu tư phát triển chăn nuôi dê, gia cầm và đặc biệt là bò Laisind…
Bên cạnh đó, ông Pan còn phát triển vườn cây ăn quả khoảng 1 ha đủ giống cây trồng các loại và đẩy mạnh công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc để phát triển kinh tế, giữ gìn môi trường sống. Đến nay, gia đình ông đã có 20 ha rừng trồng, đào ao nuôi cá nước ngọt với diện tích 4 sào, hàng năm thu hoạch khoảng 300kg cá… Nhờ đó, thu nhập của gia đình ông Pan từ các mô hình kinh tế đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, gia đình ông đã hỗ trợ cho bà con trong bản mượn trâu, bò để chăn nuôi và cày kéo; giúp đỡ những hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay tiền để trang trải trong cuộc sống, làm kinh tế vươn lên thoát nghèo….
Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu
Là một bản ở xã miền núi với đa số là đồng bào DTTS sinh sống, cho nên đời sống vật chất tinh thần của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những hủ tục lạc hậu đã tồn tại suốt bao đời nay. Trong đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là điều khiến ông Pan luôn trăn trở. Nhận thấy những hủ tục đó làm chậm sự phát triển của bản, ông Pan đã cùng với những người có uy tín trong bản thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục này.
“Để xóa bỏ các hủ tục đó, tôi thường phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con dân bản hiểu về hậu quả của vấn nạn này đối với thế hệ con cháu mai sau. Nhờ đó, nhận thức của người dân dần được nâng cao, hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ” - ông Pan chia sẻ.
Ông Pan còn tích cực vận động người dân không nghe theo kẻ xấu, không mê tín dị đoan, bài trừ các tệ nạn xã hội tại địa phương. Bản thân ông còn trực tiếp giải quyết thấu đáo nhiều mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày của các gia đình, hay giữa hàng xóm láng giềng với nhau.
Là người có uy tín ở bản Cây Bông, ông Pan tích cực tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước đến người dân trong bản, gia đình, họ tộc; giáo dục con cháu và mọi người thực hiện các cuộc vận động của Mặt trận các cấp phát động, không vi phạm pháp luật, phòng, chống các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch, tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Với những kết quả đạt được trong việc tích cực thực hiện và vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, ông Hồ Văn Pan luôn được bà con tín nhiệm và là một trong những điển hình tiêu biểu của bản Cây Bông được vinh dự dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012-2017.