Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Bền bỉ với công tác tuyên truyền
Để xóa bỏ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác này hiện vẫn còn gặp khó khăn.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tục “bắt vợ” tuy không còn phổ biến song vẫn xảy ra nhiều trường hợp lợi dụng phong tục, tập quán dẫn tới vi phạm pháp luật như cưỡng ép, lừa dối kết hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Điển hình như sự việc chiến sĩ công an đã giải cứu một bé gái đang bị một bạn nam kéo đi, nghi “bắt vợ” diễn ra ở Hà Giang gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2022. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình, nguyên nhân khiến tình trạng này chưa thể xóa bỏ hoàn toàn là do nhận thức chưa đầy đủ về phong tục, tập quán của một bộ phận thanh thiếu niên dân tộc thiểu số; Xu hướng kết hôn sớm ở đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) còn khá phổ biến.
Trước thực trạng đó, đầu năm 2022, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27 về “Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh” giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các tập quán, phong tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Ðặng Quốc Khánh, xóa bỏ hủ tục đã tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện. Quan trọng nhất là các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, kiên trì và chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp thực tiễn, không cứng nhắc. Xây dựng chế tài xử lý nhưng không nóng vội, không ép buộc; lấy tuyên truyền, vận động là chính nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Cán bộ, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu đi đầu xóa bỏ hủ tục.
Ngay sau khi Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy Hà Giang được ban hành, từ tỉnh đến xã đã thành lập ban chỉ đạo, đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch hành động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành. Tất cả các xã, thị trấn đã tổ chức tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, trưởng dòng họ, nhằm rà soát, xác định gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp, nhận diện những hủ tục để xóa bỏ. Tại một số thôn trọng điểm, xã tổ chức cho các dòng họ ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh.
Cụ thể, huyện Mèo Vạc đã xây dựng các mô hình điểm về xóa bỏ hủ tục ở các xã, thị trấn và thành lập tổ vận động ở tất cả các thôn. Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xóa bỏ những biến tướng của tục “kéo vợ”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình tới các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp cuộc sống hiện đại.
Còn tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, để xoá bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chính quyền địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức của đồng bào.
Ông Lầu Thanh Va - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Lát cho biết: Để xóa bỏ được vấn đề tảo hôn, không để tảo hôn song hành với tục “bắt vợ”, “kéo vợ”, trước hết cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, tranh thủ sự vào cuộc của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình hay trong tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, đồng thời thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Bà Thao Thị Dua - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là một trong những cán bộ cơ sở tâm huyết với công tác vận động chị em dân tộc xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Theo chia sẻ của bà Dua, là cán bộ phụ nữ, bà càng hiểu cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để xóa bỏ tình trạng tảo hôn. Vì vậy thời gian qua, bà Dua cùng Hội Liên hiệp phụ nữ xã Pù Nhi phối hợp các đoàn thể, công an, bộ đội biên phòng tuyên truyền để chị em phụ nữ, các bé gái hiểu được về nguyên nhân, hệ lụy của tảo hôn, từ đó nói không với việc kết hôn sớm.