Chung sức, đồng lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, thử thách
Ngày 26/12, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 15 (khóa IX), thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu trình bày Tờ trình xin ý kiến Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023 của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tến Châu nêu rõ, năm 2022, bối cảnh, tình hình thế giới có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo. Trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Áp lực lạm phát tăng; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nước ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ. Góp phần vào thành tựu chung, quan trọng của đất nước có sự quyết tâm, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, trong năm 2022, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân được triển khai kịp thời, chú trọng tuyên truyền kết quả và các chủ trương, quyết sách được ban hành tại Hội nghị 5, 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), kỳ họp bất thường và kỳ họp thứ 3, 4 Quốc hội khoá XV, các hoạt động, sự kiện của MTTQ Việt Nam.
Việc thực hiện liên thông giữa tuyên truyền, vận động nhân dân với lắng nghe, nắm bắt ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tiến hành phản ánh, giám sát kịp thời. Công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết tiếp tục có nhiều đổi mới, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Cùng với đó, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Công tác vận động giúp đỡ người nghèo, cứu trợ, phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tính lan tỏa cao và có tác động tích cực trong toàn xã hội; nổi bật là tổ chức thành công Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022.
Công tác tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; công tác giám sát, phản biện xã hội tiếp tục được triển khai ngày càng thực chất, hiệu quả hơn; đặc biệt là việc tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là cơ sở chính trị quan trọng để toàn hệ thống Mặt trận thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Năm qua đã tổ chức các hội nghị phản biện xã hội quy mô toàn quốc đối với một số dự thảo văn bản quan trọng. Các kiến nghị qua giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước được các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương lắng nghe, quan tâm trả lời và chỉ đạo giải quyết.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng nêu rõ, công tác kiểm tra, rà soát, kiện toàn tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận được triển khai nghiêm túc, bảo đảm quy định. Việc đề xuất hoàn thiện cơ chế và điều kiện đảm bảo hoạt động của Mặt trận tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Việc xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam” đã góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy tương xứng với vị trí pháp lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới. Công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình được quan tâm, đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2017 - 2022 đã tạo sức lan tỏa, tiếp tục ghi nhận và khẳng định đóng góp của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở.
Đặc biệt, công tác phối hợp với Nhà nước ngày càng chặt chẽ, thực chất. Trong phần lớn các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, an sinh xã hội, các hoạt động giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đều mời đại diện Mặt trận tham dự. Công tác phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ; Việc ứng dụng công nghệ thông tin bước đầu được triển khai có hiệu quả, đã khai thác hiệu quả hệ thống kênh thông tin, truyền thông của Mặt trận, mạng xã hội trực tuyến thông qua “Trang cộng đồng” (Fanpage) của MTTQ Việt Nam.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội
Về chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, năm 2023 là năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội IX MTTQ Việt Nam; đối với hệ thống MTTQ các cấp, đây là năm bản lề, là thời gian cao điểm có tính chất quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và chuẩn bị tổ chức Đại hội Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Đây cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước 5 năm 2021 - 2025.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, trong năm 2023, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tập trung triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội theo Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; trên cơ sở đó, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện một số chương trình giám sát quy mô cấp toàn quốc; tổ chức phản biện xã hội đối với dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Cùng với đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng tập trung xây dựng các đề án, văn bản trình Ban Bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Đề án “Tổ chức giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính hiệp toàn Trung Quốc và MTTQ Việt Nam 07 tỉnh của Việt Nam với Chính hiệp 2 tỉnh/Khu tự trị của Trung Quốc có chung đường biên giới lần thứ 2”; Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng nêu rõ, trong năm 2023, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiến hành tổng kết, sơ kết các văn bản, đề án của Ban Bí thư, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, trên cơ sở đó, đề xuất nâng tầm, mở rộng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam..