Thông thầu và trục lợi
Việc Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị chuyển tới Bộ Công an hồ sơ nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, khiến dư luận lại một phen dậy sóng. Tổng số tiền chênh lệch được cơ quan thanh tra xác định là gần 80 tỷ đồng.
Riêng tại Sở Y tế TPHCM, Thanh tra Chính phủ xác định là chủ đầu tư mua sắm 229 trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: máy X-quang di động DR, máy phá rung tim có tạo nhịp, máy chạy thận nhân tạo, máy lọc máu liên tục… Số trang thiết bị này có tổng giá vốn gần 21,4 tỉ đồng nhưng sau khi qua các bước đấu thầu đã lên tới gần 62,5 tỉ đồng, chênh lệch hơn 41 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chênh lệch lớn nhất phải kể đến 9 chiếc máy X-quang di động DR do Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT bán cho Sở Y tế TPHCM. Tổng giá vốn mà công ty bỏ ra là gần 5,2 tỉ đồng, nhưng khi bàn giao cho chủ đầu tư thì “đội giá” lên tới hơn 24 tỉ đồng, chênh lệch gần 19 tỉ đồng, tức cao gấp 4,67 lần…
Tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện hàng loạt gói thầu có sự mua bán qua nhiều khâu trung gian, chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu, với tổng số tiền khoảng 39 tỉ đồng.
Ngoài các gói thầu đã nêu, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện vi phạm tại 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM làm chủ đầu tư; có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại hơn 6,3 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ các vụ việc kể trên đến Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định.
Suốt cả năm 2021 và 2022, nhiều sai phạm trong ngành Y tế bị phát hiện, xử lý. Đặc biệt là những sai phạm trong việc trục lợi dịch bệnh Covid-19 và thông thầu, thổi giá đấu thầu sinh phẩm, vật tư thiết bị y tế. Liên quan tới Covid-19, hiện đã có hơn 100 bị can bị tam giam, trong đó có cả cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội (ông này sai phạm khi còn là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ).
Liên quan tới thông thầu, thổi giá trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế… nhiều sai phạm đã được chỉ ra, trong đó vụ nổi tiếng nhất có lẽ là thuộc về Bệnh viện Tim Hà Nội.
Ngày 10/12/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Tuấn bị cơ quan điều tra khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Vụ việc thông đồng “thổi giá” này gây thiệt hại 40 tỉ đồng.
Trở lại với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, dư luận cho rằng cần sớm làm sáng tỏ trách nhiệm của những đối tượng liên quan, trong đó có cả những doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị y tế. Có những công ty trở thành “vua” đấu thầu, “đấu đâu thắng đó”, trong đó có nhiều công ty liên tiếp dính vào những vụ án lớn nâng khống giá thiết bị đã bị phát hiện thời gian qua; như Công ty AIC, Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS, Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm thuộc về giám đốc Sở Y tế, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và người đứng đầu 14 đơn vị bị thanh tra.
Đây quả là một tổn thất lớn đối với ngành Y tế TPHCM, khi mà nhiều cá nhân, đơn vị sai phạm. Có thể thấy những chiêu trò móc ngoặc thông thầu, "quân xanh, quân đỏ" của nhiều nhà thầu trong lĩnh vực thiết bị y tế để thao túng đấu thầu các dự án, tài sản lớn của Nhà nước đã diễn ra một thời gian dài mà chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Nói như bà Nguyễn Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với sự tiếp tay của bên mời thầu, chủ đầu tư đã biến cuộc đấu thầu thành một "vở kịch" với sự tham gia của các "quân xanh, quân đỏ" để rồi "quân đỏ" đường đường chính chính trúng thầu. Trong số các chiêu trò liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, bà Thủy lưu ý đến chiêu cài cắm các điều khoản mớm thầu để "cài thầu quen, chèn thầu lạ"; biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế".
Thật đáng sợ hơn khi bà Thủy cho rằng còn có nhà thầu chuyên đi dự thầu để trượt nhằm lót đường cho nhà thầu định sẵn trúng thầu.