Dồi dào hàng Tết
Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng nông sản cung ứng cho thị trường Tết dồi dào không lo thiếu.
Chủ động nguồn hàng
Theo Sở Công thương Hà Nội, ngoài nguồn sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất tại thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cùng 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội, bảo đảm đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết. Ước tính tổng giá trị hàng hóa Tết đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch phục vụ Tết năm ngoái.
Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh, Hà Nội) Đàm Văn Đua cho biết, vụ đông này hợp tác xã gieo trồng hơn 300 ha rau xanh các loại, gồm củ cải trắng và rau ăn lá, như cải ngọt, cải dưa..., mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng chục tấn rau củ quả.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), năm nay dự báo sức mua thịt lợn giảm, hơn nữa cộng với việc giá lợn hơi liên tục giảm nên HTX chỉ chuẩn bị nguồn cung cho hàng Tết cuối năm tăng hơn so với bình thường 30%, trong khi đó năm 2021 là tăng 50%.
Cùng với thịt, rau củ quả phục vụ Tết Nguyên đán được dự báo khá dồi dào và giá có xu hướng giảm nhẹ so với hiện nay. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm nay, vụ Đông toàn miền Bắc triển khai trồng khoảng 400.000 ha rau màu. Trong đó, riêng rau các loại khoảng 200.000 ha với sản lượng khoảng 3,6 triệu tấn. Hiện diện tích rau phục vụ cho dịp cuối năm và Tết còn khoảng 50.000 ha, tương đương sản lượng gần 1 triệu tấn.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, lượng thịt lợn tiêu thụ dịp Tết vào khoảng 320.000 - 330.000 tấn, gia cầm khoảng 150.000 - 160.000 tấn. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ các sản phẩm chăn nuôi cho dịp Tết.
Ngoài việc các trang trại chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp (DN) cũng đang nỗ lực để tăng sản xuất, dự trữ hàng hóa cho mùa tiêu dùng cuối năm. Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết ngay từ tháng 6 đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, 4.200 tấn thực phẩm chế biến.
“Chúng tôi luôn đảm bảo giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết; cam kết không tăng giá. Ngoài ra chúng tôi còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi từ 10 - 30% để kích cầu tiêu dùng” - ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan thông tin.
Sức mua có tăng?
Đến thời điểm này theo phản ánh của các DN, hiện sức tiêu thụ hàng hóa đều tăng. Thông tin từ các hệ thống siêu thị cho biết, sức mua của người tiêu dùng đã tăng lên so với 1 tuần trước, tập trung vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng đông lạnh, dầu ăn, đường, sữa, quần áo thời trang, giỏ quà...
Đánh giá về bức tranh tiêu thụ hàng hóa cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm DN ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu từ nay đến cuối năm của người dân theo quy luật sẽ tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng khá mạnh trong một giai đoạn ngắn. Do đó, việc chủ động lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp cung ứng phải sẵn sàng từ nhiều tháng trước đó. Hiện, Bộ NN&PTNT đã chủ động đến một số hệ thống phân phối, địa phương nhằm đánh giá tình hình, chuẩn bị hàng hóa và kiểm soát chất lượng hàng hóa đưa ra thị trường. Theo Bộ NN&PTNT, giá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm năm nay tương đối ổn định.
Tuy nhiên, theo ông Toản vào thời gian cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau xanh) sẽ tăng cao đẩy giá bán tăng theo. Do đó, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn các đơn vị tham gia kinh doanh, phục vụ hàng hóa nông sản thiết yếu cần bám sát thực tế, theo dõi sát nhu cầu thị trường để chủ động, chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 1637 bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Theo đó, từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023 thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước. Song song với đó, các địa phương cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn.