Ấn tượng xuất khẩu nông sản 2022

K.Lê-M.Sang 27/12/2022 09:00

Dù tháng 11 xuất khẩu giảm nhẹ, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng của năm 2022 đã chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021 (48,6 tỷ USD). Đây là tín hiệu vui của nền kinh tế.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2022 đã đạt được nhiều kỳ tích. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), con số ấn tượng đó có sự góp phần không nhỏ của ngành thủy sản, khi lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản của nước ta chạm mốc 10,14 tỷ USD (tăng 27%). Cùng với thủy sản, ngành rau quả cũng đạt những con số xuất khẩu ấn tượng. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 306 triệu USD, tăng 17,5% so với tháng 11/2021. Xuất khẩu rau quả trong tháng 12/2022 dự kiến tăng cao nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng dần.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, năm 2022 rất nhiều nông sản đã ghi danh vào thị trường lớn. Trong đó sầu riêng, khoai lang, tổ yến... vào Trung Quốc; bưởi sang Mỹ; nhãn sang Nhật Bản; chanh, bưởi sang New Zealand...

Dù đạt được kết quả khả quan trong năm 2022 song theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức, do Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách “Zero Covid”; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đã được thực thi nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với hàng rào pháp lý bảo hộ hàng trong nước của nhiều thị trường.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong năm 2023, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho rằng, thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay Mỹ đã leo lên vị trí thứ nhất, do đó năm 2023 kỳ vọng sẽ đưa được chanh dây và dứa vào thị trường này, cũng là giúp bà con có cơ hội nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục đàm phán, xúc tiến để đưa quả bưởi vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Ngoài ra, sự vào cuộc kịp thời của công tác xúc tiến thương mại cũng là một yếu tố “bẻ khóa thị trường tốt hơn” để nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường lớn.

Ỏ góc độ DN, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhựt cho rằng, trong sản xuất lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác có tính chất thời vụ. Tới vụ thu hoạch, áp lực thu mua rất lớn, do đó, tín dụng cho sản xuất lúa gạo phải linh hoạt, ổn định trong thời gian dài chứ không phải đợi khi tới áp lực, ngân hàng mới tung ra gói tín dụng để thu, mua tạm trữ sản phẩm. Đó chỉ là giải pháp giải quyết được phần ngọn, không mang tính chất bền vững.

Định hướng thị trường năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất làm sao bảo đảm sản phẩm giữ được chữ tín trên thị trường. Thời cơ đã có, vấn đề là tâm thế để xuất khẩu loại hàng hóa mà thị trường có nhu cầu rất lớn.

8 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê đạt 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su đạt 2,9 tỷ USD (tăng 3,2%); gạo đạt 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); cá tra đạt 2,2 tỷ USD (tăng 61%); tôm đạt 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,6 tỷ USD (tăng 9%)…

K.Lê-M.Sang