Làng nghề vào Tết: Lò rèn đỏ lửa suốt ngày đêm
Để chuẩn bị cho thị trường ngày Tết, làng rèn thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu những ngày này đỏ lửa suốt ngày đêm. Từ sáng sớm đến tối mịt, đâu đâu cũng leng keng tiếng chày máy tiếng búa tay rền vang.
Chúng tôi đến làng rèn Ngan Dừa khi thời điểm những người thợ rèn nổi tiếng ở đây đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những sản phẩm chất lượng, bắt mắt nhất để phục vụ bà con dịp Tết.
Những ngày này, các lò rèn nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đâu đâu cũng ròn rã tiếng nện sắt, tiếng búa đập choang choang. Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, những người thợ ở các lò rèn thị trấn Ngan Dừa đang khẩn trương cho ra lò những sản phẩm tốt để phục vụ người dân. Các sản phẩm phục vụ ngày Tết chủ yếu là các loại dao thái, chặt…
Ông Tư Hây, một thợ rèn kỳ cựu ở xóm lò rèn ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa cho biết, những mặt hàng chủ yếu làm ra ở đây là nông cụ cầm tay. Năm trước dịch Covid–19 sản xuất của nghề rèn sập xệ lắm nhưng giờ hết dịch rồi bà con ai cũng phấn khởi. Vào vụ Tết Nguyên đán năm nay hút hàng hơn mọi năm. Thường thì tuần đốt lò 2 – 3 ngày, nhưng dịp cuối năm này các mối đặt hàng nhiều, vì thế ngày nào cũng đỏ lửa.
Với “bí quyết” cha truyền con nối, cộng với kinh nghiệm của những người thợ lành nghề, nên sản phẩm của lò rèn Tư Hây luôn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Từ việc sản xuất ra bán lẻ ở địa phương, đến mùa sản suất phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán này, ở mỗi chợ trong huyện và một số nơi trong tỉnh, lò rèn Tư Hây đều có điểm bỏ mối bán sỉ theo đơn đặt hàng.
Ông Tư Hây chia sẻ, ông vào nghề rèn từ lúc chưa đầy 10 tuổi, gia đình 5 đời nối nghiệp cha ông. Năm nay ông đã gần 70 tuổi nhưng vẫn còn rất khoẻ và dù hoàn cảnh có đổi thay, điều kiện làm nghề ngày càng bất lợi nhưng hàng ngày ông luôn cố gắng duy trì cái nghề cực nhọc này những đốm lửa hồng tại lò rèn của mình sẽ rực sáng mãi để tiếp tục giữ lại cái nghề thiêng liêng của gia tộc.
Những năm trở lại đây, hầu hết người dân làng rèn nơi đây chuyển dần từ làm thủ công sang máy móc. Những chiếc máy dập thép được đầu tư tạo năng suất cao hơn nhiều nên được sử dụng phổ biến.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh tham quan lò rèn của mình, ôngTrần Văn Ơn, chủ lò rèn Hai Ơn, ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa cho biết: “Từ khi còn nhỏ chúng tôi đã biết đến nghề rèn thông qua cha ông để lại. Tôi năm nay 63 tuổi nhưng đã làm nghề này hơn 40 năm rồi. Vào ngày giáp Tết tất bật lắm, có ngày làm hàng trăm con dao cho khách mà vẫn không kịp. Các lò nấu phôi thép gần như đỏ rực cả ngày lẫn đêm để phục vụ các xưởng rèn. Nghề này cực lắm, nhưng đây là cái nghề gia truyền ông cha để lại, nên mình phải biết trân trọng giữ gìn và nối nghiệp. Mặc dù ở đây chưa thấy ai giàu có từ nghề rèn, nhưng nghề rèn cũng giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, đủ sống chứ không đến nỗi”.
Làng rèn Ngan Dừa thuộc ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nổi tiếng với sản phẩm dao các loại được làm thủ công có chất lượng tốt, sắc bén và bền đẹp. Anh Trần Thanh Hùng người tiêu dùng ở xã Ninh Quới huyện Hồng Dân cho biết, “Dùng sản phẩm của các lò rèn ở Ngan Dừa rất vừa ý. Dao búa sài đến khi lục chỉ cần liếc qua lả bén ngay. Muốn sài thứ gì là tôi đều ra chợ Ngan Dừa mua hoặc tới tận lò để đặt. Nhìn chung giá cả các sản phẩm cũng hợp lý, nhưng thấy làm nghề cục nhọc nên khi mua đồ tôi thấy người ta cũng ít khi nào trả giá”.
Ở huyện Hồng Dân hiện nay còn hàng chục lò rèn uy tín. Nghề rèn những năm qua có những đổi thay rõ rệt. Thị trường tiêu thụ được mở rộng khiến các sản phẩm ở làng rèn cũng từ đó mà đa dạng, phong phú, cuộc sống người dân dần cải thiện. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất trung bình dao động từ 150-350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ.
Tuy vẫn còn đó không ít khó khăn, trải biết bao thăng trầm của đời sống nhưng làng nghề rèn ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ. Cái nghề lắm vất vả, công phu nhưng thu nhập từ những chiếc dao, cái kéo, lưỡi cuốc… chẳng đáng là bao.
Ấy vậy mà họ vẫn cố giữ cho lò rèn đỏ lửa, truyền nghề cho con cháu để nghề của tổ tiên không mai một. Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng rầm rập tiếng máy búa đập thép. Mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân lưng đẫm mồ hôi đang tất bật làm nghề với niềm hy vọng được mùa Tết, và một năm mới thương hiệu vươn xa hơn nữa.