Bản tin y tế ngày 27/12: Số người mắc Covid-19 tiếp tục tăng lên 211 ca

P.Vân 27/12/2022 18:18

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 27/12 của Bộ Y tế cho biết có 211 ca mắc mới Covid-19, tiếp tục đà tăng ca mắc mới. Trong ngày có 86 bệnh nhân khỏi, tiếp tục không ghi nhận ca tử vong.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.647 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.465 ca nhiễm).

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tạị Việt Nam thời gian qua.

Tình hình điều trị Covid-19 tại Việt Nam

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 86 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.610.917 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 39 ca, trong đó:

Thở ô xy qua mặt nạ: 31 ca

Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca

Thở máy không xâm lấn: 0 ca

Thở máy xâm lấn: 6 ca

ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

Ngày 26/12 ghi nhận 0 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.184 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày 26/12 có 21.933 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.401.974 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.205.495 liều: Mũi 1 là 71.080.890 liều; Mũi 2 là 68.690.947 liều; Mũi bổ sung là 14.492.824 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.665.520 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.275.314 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.860.656 liều: Mũi 1 là 9.127.068 liều; Mũi 2 là 8.955.210 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.778.378 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.335.823 liều: Mũi 1 là 10.228.319 liều; Mũi 2 là 8.107.504 liều.

Bộ Y tế: Virus Adeno gây bệnh thường nhẹ, trừ người bị suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh, ung thư, ghép tạng

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do virus Adeno.

Tại hướng dẫn do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành nêu rõ, virus Adeno gây bệnh ở người gây bệnh thường nhẹ, trừ một số trường hợp diễn biến nặng khi có bệnh kèm theo như suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, bệnh tim bẩm sinh, ung thư, ghép tạng...

Virus adeno gây bệnh ở người lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa virus. Nguy cơ lây nhiễm giống như một số virus cảm lạnh thông thường, nhưng thấp hơn virus hợp bảo hô hấp (RSV), cúm mùa, SARS-CoV-2.

Virus Adeno thường gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc, có thể do nhiễm trùng bệnh viện qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám chăm sóc, đặc biệt ở Khoa hồi sức, Sơ sinh, đơn vị ghép tạng.

Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn. Virus Adeno ở người mang có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, cư trú trong mô bạch huyết, nhu mô thận hay các mô khác thậm chí vài năm. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, xuân và đầu hè, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm.

Thời gian ủ bệnh của nhiễm virus Adeno khoảng từ 2 - 12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Triệu chứng bệnh biểu hiện qua phản ứng đáp ứng viêm hệ thống không đặc hiệu, viêm kết mạc, phản ứng hạch lympho, tổn thương đường tiêu hoá, và thường gây nặng bằng tổn thương đường hô hấp gây viêm phổi, suy hô hấp tiến triển...

Giải pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị theo sinh lý bệnh, có một số liệu pháp điều trị kháng virus nhưng vẫn đang là các nghiên cứu thử nghiệm làm sàng, có thể hóa điều trị ở một số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Dự phòng bệnh chủ yếu là các giải pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Triệu chứng lâm sàng của nhiễm virus Adeno gây bệnh ở người rất đa dạng, sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều triệu chứng như: sốt, đau đầu, họ khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, buồn nôn, đau bụng.

Trời lạnh, gia tăng người đến viện do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Theo SKĐS, Khoa Khám bệnh đa khoa Bệnh viện Châm cứu Trung ương vừa tiếp nhận anh N (29 tuổi, Hà Nội) vào viện trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, nhân trung lệch trái, rãnh mắt mũi bên phải mờ. Bệnh nhân không thể làm động tác thổi lửa, huýt sáo…

BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: 3 ngày trước khi vào viện, anh N ngủ dậy thấy phòng vẫn ấm nên kéo cửa ban công cho thoáng. Khi vào nhà vệ sinh, anh bất ngờ vì nước đánh răng chảy vương vãi, không thể kiểm soát dù cố ngậm miệng.

Nhìn vào gương, anh thấy miệng lệch, đặc biệt khi chớp, nhắm mắt, hai bờ mi bên mắt trái không khép lại kín. Tưởng đột quỵ, anh lập tức đi khám và được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hoàn toàn, chuyển Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị.

Tượng tự, một bệnh nhân 36 tuổi, ở Hòa Bình cũng vừa nhập viện tại khoa Y dược cổ truyền, bệnh viện đa khoa Hòa Bình do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Khai thác tiền sử được biết bệnh nhân về nhà khi tối muộn, vừa đến nơi thì thấy tê bì mặt, miệng méo, một bên mắt không nhắm kín.

Trường hợp khác cũng vào khoa Y dược cổ truyền, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là người phụ nữ 37 tuổi, ngủ dậy thấy xuất hiện méo miệng, tê bì, mất cảm giác một bên mặt.

Liệt dây thần kinh số 7 có hai loại: Liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (do lạnh, số ít do viêm tai giữa, zona thần kinh).

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, vào các thời điểm chuyển mùa, trời lạnh, số ca liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gia tăng. Mỗi ngày, khoa Khám bệnh đa khoa tiếp nhận tới hàng chục trường hợp.

P.Vân