Gấp rút hỗ trợ cho lao động trước Tết
Trước bối cảnh cuối năm có nhiều người lao động mất việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, gói hỗ trợ từ tài chính công đoàn sẽ được gấp rút triển khai. Dự kiến có hơn 100.000 lao động bị ảnh hưởng mà lương tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng sẽ được hỗ trợ, mức 1-3 triệu đồng mỗi người và chỉ nhận hỗ trợ một lần.
Cần đơn giản thủ tục hỗ trợ
Chia sẻ về gói hỗ trợ cho người lao động (NLĐ), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, hiện công đoàn đang bàn thảo thêm một số điều kiện thụ hưởng song sẽ tinh giản hết mức để tiền nhanh đến tay lao động. Danh sách lao động khó khăn giao công đoàn cơ sở lập và làm việc thêm với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) để xác định bảng lương, thu nhập của người được hỗ trợ trước khi mất việc. Sau khi Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn phê duyệt, gói hỗ trợ sẽ được thực hiện trước Tết Nguyên đán và dự kiến kéo dài đến hết tháng 3/2023.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Anh, con số hỗ trợ trên chỉ như “muối bỏ bể” bởi hiện theo thống kê có gần 483.000 lao động bị giảm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng trong 1.240 doanh nghiệp (DN) tại 44 tỉnh thành. Đáng chú ý, dự báo quý I/2023 số lao động bị mất việc làm, thất nghiệp sẽ còn tăng. Chính vì vậy, rất cần thêm các gói hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các địa phương như gói an sinh 26.000 tỷ đồng và 38.000 tỷ đồng.
Về đề xuất nên có thêm gói hỗ trợ an sinh, nhiều địa phương kiến nghị tiếp tục thực hiện một số chính sách trong gói 26.000 tỷ đồng khi cuối năm khó ban hành gói mới. Về phía đại diện chủ sử dụng lao động, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho người lao động, cần nên xem xét tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ DN. Chẳng hạn như đề xuất chính sách cho DN được vay vốn với lãi suất 0% để có phương án trả lương, giữ chân lao động; kết nối nguồn hỗ trợ này với chính sách hỗ trợ đào tạo lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho DN, lao động bị ảnh hưởng mất việc làm. Tuy nhiên, việc phải xác định đối tượng hỗ trợ thế nào, cách thức tổ chức ra sao cho hiệu quả, chính sách phải đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định của pháp luật nhưng cũng vừa thuận lợi trong thực hiện để người dân dễ tiếp cận nhanh, đó là cái khó cần phải bàn để làm tốt hơn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì việc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động rất có ý nghĩa, nhất là khi cái Tết đã cận kề. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ giống như các chính sách an sinh xã hội chúng ta đã thực hiện khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc ban hành gói hỗ trợ cần nhanh và linh hoạt bởi nếu để chậm dẫn đến đứt gãy cung - cầu rất khó có thể vực dậy được.
Chính sách cần nhanh và linh hoạt
Việc có chính sách hỗ trợ cho người lao động, DN trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi gần Tết đến là rất cần thiết, song việc thiết kế chính sách cần nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo trúng đối tượng.
Thực tế từ việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động (gói 26 nghìn tỷ đồng), ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH cho rằng, trước đây các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đều do thiếu cơ sở dữ liệu, trong khi đây là yếu tố mang tính chất quyết định từ khâu xây dựng chính sách, dự báo, cho đến triển khai. Chính vì vậy, tới đây khi xây dựng chính sách hỗ trợ cần đơn giản về mặt thiết kế chính sách.
Góp ý về việc xây dựng gói hỗ trợ mới cho người lao động, ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, việc xây dựng chính sách lần này có những cái khó do chưa đánh giá được tác động kỹ về mức độ ảnh hưởng, trong khi muốn đề xuất cơ chế chính sách trúng phải có cơ sở sát thực tế.
Chẳng hạn như số lao động bị giãn việc ở mức độ nào, nhiều hay ít, trong một ngày/một tuần ra sao để xác định là cực kì khó. Theo ông Lai, công đoàn có lợi thế là có hệ thống công đoàn cơ sở đến tận DN, vì vậy có thể nắm rất chắc tình hình giảm giờ làm, mất việc làm của người lao động. Còn các cơ quan nhà nước hiện vẫn phải chờ DN báo cáo lên, do đó, việc đánh giá tình hình chưa kỹ.
Bên cạnh đó, xu hướng sang năm 2023 về mức độ ảnh hưởng của việc sụt giảm đơn hàng của các DN, việc làm của người lao động vẫn dự báo khó khăn. Trong bối cảnh này, trong khi chờ có thêm các chính sách hỗ trợ mới, DN và người lao động cần chủ động hơn, với DN là cố gắng sử dụng tối đa lực lượng lao động hiện có, trong điều kiện buộc cắt giảm lao động cần đảm bảo chế độ cho người lao động, tránh tạo ra những bất ổn trong quan hệ lao động.
Hỗ trợ từ Nhà nước là rất quan trọng
Theo ông Đào Quang Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), làn sóng cắt giảm việc sẽ còn diễn ra, vì vậy cần có giải pháp để giúp DN cầm cự, mở rộng thị trường và có thêm đơn hàng. Bên cạnh đó, cũng cần có những gói hỗ trợ người lao động và DN như trong thời gian dịch bệnh để giúp DN tiếp tục cầm cự, giữ chân người lao động, cũng như hỗ trợ các nguồn tín dụng để trả lương cho người lao động. Đối với những lao động mất việc làm, cần có chính sách hỗ trợ để họ có nguồn thu nhập tối thiểu; có thể huy động từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. “Năm 2023 tình hình việc làm vẫn rất khó khăn, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo, kết nối cung cầu lao động là rất quan trọng do đó chúng ta cần sớm có các giải pháp để hỗ trợ kịp thời cho người lao động và DN” - ông Vinh nêu ý kiến.