Quà Tết biến hình
Cũng không hiểu từ bao giờ mà nét đẹp văn hóa chúc nhau dịp Tết đến Xuân về lại biến tướng thành “lệ” biếu quà tết cho cấp trên. Nhiều năm trở lại đây, cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị, nghiêm cấm việc tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp, dù là danh nghĩa cá nhân hay tập thể.
Tới nay, nạn biếu quà tết với động cơ thiếu trong sáng đã phần nào dịu bớt, nhưng chưa chịu dứt hẳn. Thực tế thì người biếu và người nhận quà thường là kín đáo, khó bị phát giác nên cũng rất khó để tố cáo và cũng chẳng mấy ai tự nguyện báo cáo với tổ chức về việc này.
Nét đẹp văn hóa của người Việt chúc nhau dịp Tết nhiều khi bị lợi dụng, lấy cớ để biếu tặng những món quà có giá trị vật chất lớn nhằm mục đích vụ lợi. Lợi ích thì có qua có lại và rồi kéo theo những điều gian dối.
Nói như ông Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) thì trước sức ép dư luận gần như không còn thấy xuất hiện cảnh nhiều người xếp hàng “rồng rắn” xe cộ, quà cáp lỉnh kỉnh đến cơ quan hay nhà riêng của cấp trên. Nhưng người ta lại tặng quà và nhận quà rất kín đáo. Thay vì tặng trực tiếp cho sếp, họ chọn cách đưa cho vợ, con, hoặc người thân của sếp.
Việc tặng quà tết có giá trị lớn trước đây vẫn diễn ra, nhưng đáng nói là hầu như không có người tự giác báo cáo, nộp lại quà. Một báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy: năm 2019 chỉ có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng; năm 2020 có 3 người nộp lại quà 31,8 triệu đồng, 1 cơ quan nhận quà 210 triệu đồng; năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng với số tiền 350 triệu đồng.
Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng có thể người nhận bị phát hiện, thấy “ngột ngạt” quá nên mới báo cáo tổ chức. Do vậy, muốn chấm dứt nạn biếu xén, nhận biếu xén vẫn phải phụ thuộc vào tính tự giác, trung thực của cán bộ, công chức, viên chức.
Còn theo PGS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì cùng với việc khó phát hiện nhưng bản thân người nhận quà không dại gì “lạy ông tôi ở bụi này”, kể cả họ biết rõ hành vi biếu xén mang “mùi vị” vụ lợi, không trong sáng.
Ông Đức cũng cho rằng nếu không có người nhận thì sẽ không có người biếu.
Còn bà Trần Thị Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cùng với việc hiện nay Đảng và Nhà nước đang quyết liệt đưa những vụ án tham nhũng, kinh tế ra xét xử, thì việc ban hành quy định cấm tặng quà lãnh đạo dịp Tết sẽ nhắc nhở cán bộ cần cân nhắc trước những món quà biếu với động cơ vụ lợi, tiêu cực.
Trong nếp sống giao tiếp hàng ngày và phong tục của người Việt, nhất là vào các dịp lễ tết, tặng quà cho nhau vốn là chuyện bình thường và có ý nghĩa. Quà biếu dịp Tết là việc con cái tỏ lòng hiếu kính ông bà cha mẹ, học trò tết thầy cô giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc đã cứu chữa; con rể con dâu tết cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; bạn bè, đồng nghiệp chúc tết lẫn nhau... Những món quà biếu tết phải xuất phát từ cái tâm của người biếu quà chứ không phải là sự đong đếm giá trị vật chất của những món quà đó.
Biếu quà dịp Tết là một mỹ tục của người Việt nhưng rồi nó lại bị không ít người lợi dụng biến thành việc mua danh bán lợi. Mà việc “đi tết” cấp trên không chỉ còn giới hạn ở việc nhằm đạt được quyền lợi mà còn có khi là để được sếp xuê xoa, dung túng, bao che hành vi sai trái trong công tác, kể cả những phi vụ làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật.
Nói nôm na là việc biếu xén quà tết cấp trên trong nhiều trường hợp hoặc là để được thăng quan tiến chức, phát tài; hoặc là để tìm kiếm ô dù, thoát tội, chạy tội.
Xã hội văn minh, tiến bộ không thể để tồn tại việc "đi tết” sếp như một quy định ngầm rất khó chịu.
Tuy nhiên, có việc “đi tết” lại rất cần làm: đó là thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất... để ấm lòng người, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều được vui Tết, đón Xuân.
Chúc Tết phải được vẹn nguyên là một mỹ tục của dân tộc chứ không thể để nó biến hình, nhuốm màu vụ lợi. Xin được nhắc lại, trong trường hợp này nếu không có người nhận thì sẽ không có người biếu xén, đút lót.