Hạn chế rủi ro đến từ điều tra phòng vệ thương mại

H.Hương – M.Sang 28/12/2022 07:14

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh thời gian qua, song bên cạnh đó, không ít quốc gia đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Giới chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế những rủi ro bị điều tra, doanh nghiệp khi xuất khẩu cần chủ động nâng cao năng lực, hệ thống quản trị của doanh nghiệp.

Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 9 đến tháng 10/2022, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thị trường các nước đã đối diện với hàng loạt các vụ kiện phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngày 25 /10 /2022, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nhận được thông tin về việc Tổng vụ Thương mại, Bộ Công thương Ma-rốc khởi xướng điều tra tự vệ đối với mặt hàng săm lốp xe đạp, xe gắn máy và mô tô nhập khẩu vào nước này.

Ngày 12/10, trên cơ sở đơn đề nghị điều tra của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ (riêng Ấn Độ bị yêu cầu điều tra thêm chống trợ cấp).

Trước đó, ngày 29 /9 /2022, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số sản phẩm nhựa PVC.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết các con số thống kê cũng cho thấy, cứ mỗi 5 năm, số lượng các vụ việc lại tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ.

Đáng chú ý, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, các nước đang mở rộng cách thức điều tra phòng vệ thương mại. Bên cạnh những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp thì hiện nay bắt đầu xuất hiện các vụ việc áp dụng các biện pháp mang tính chất lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, tiêu chuẩn điều tra, các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài đối với các doanh nghiệp cũng có xu hướng chặt chẽ, khắt khe hơn. Theo ông Chu Thắng Trung, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế, nhưng quan trọng là làm thế nào để xác định được những rủi ro và cần có những giải pháp để hạn chế những rủi ro đó.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN cho biết, thời gian gần đây, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Nhờ đó, xuất khẩu tăng trưởng khá. Tuy nhiên, song song với đó, hàng hóa xuất khẩu cũng đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Hoa Kỳ là thị trường áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo bà Thảo, Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới. Khi Hoa Kỳ chuyển dịch sang các cuộc điều tra về chống lẩn tránh hoặc chống gian lận cũng có thể sẽ tạo ra một tiền lệ để các quốc gia khác “đi theo”.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế những rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cho rằng, khi doanh nghiệp bị điều tra, cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và theo đúng thời hạn. Đồng thời doanh nghiệp cần có sự chủ động, tích cực và khắc phục tâm lý e ngại khi vướng phải các vụ việc điều tra, cũng như nâng cao năng lực, hệ thống quản trị của doanh nghiệp góp phần hạn chế những rủi ro bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

H.Hương – M.Sang