Nguy cơ ngộ độc rượu đang tăng lên
Cuối năm là cao điểm của những bữa tiệc liên hoan, tất niên… và hệ quả là lượng rượu bia tiêu thụ lại gia tăng. Dù đã được cảnh báo, thế nhưng số ca nhập viện vì ngộ độc rượu bia do lạm dụng hay do sử dụng rượu giả đều tăng cao vào thời điểm này.
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây, đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý 2 trường hợp ngộ độc rượu trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, có một bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân nặng kèm hội chứng suy thận. Tại Trung tâm, bệnh nhân được điều trị hồi sức, lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân này được gia đình xin về vì không có khả năng cứu chữa và tử vong tại nhà.
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Những ngày vừa qua, gần như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu, hơn nữa, hầu hết các trường hợp này đều là thanh niên hoặc đang trong độ tuổi lao động. Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Bệnh nhân đã được đưa vào đây đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy. Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi. Một trường hợp điển hình đang được điều trị tại Trung tâm là nam thanh niên 25 tuổi quê ở Tuyên Quang bị hôn mê sau cuộc liên hoan cuối năm cùng bạn bè và được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Thời điểm nhập viện, chỉ số đường huyết của bệnh nhân chỉ còn 0,7 mmol/l (con số này ở người bình thường là 4 mmol).
Chuyên gia y tế lý giải thích thêm, thành phần Ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở 2 bên não. Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người gầy, yếu, suy kiệt và người trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng thông tin về một trường hợp đột quỵ khi tuổi đời còn khá trẻ cũng do nguyên nhân từ bia rượu. Cụ thể, bệnh nhân nam 33 tuổi ở Hà Nội bị đột quỵ, nhưng không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tiền sử, bệnh nhân chia sẻ do công việc làm chủ nhà hàng nên thường xuyên sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá. Tỉnh dậy sau giấc ngủ ban đêm, người đàn ông này xuất hiện tê liệt nửa người, sau đó được gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Phạm Văn Cường - Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đây không phải trường hợp duy nhất nhập viện vì đột quỵ do lạm dụng bia rượu ở bệnh nhân trẻ. Nguyên nhân do việc lạm dụng rượu bia khiến bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipit máu và xơ vữa mạch máu, từ đó dẫn tới đột quỵ.
Một nỗi lo khác là ngộ độc do dùng rượu giả. Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông tin, mới đây cơ sở y tế này tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân L.P.G. (59 tuổi, ngụ TPHCM) bị ngộ độc rượu sau khi uống một chai rượu trắng không rõ nguồn gốc. Tại bệnh viện, kết quả thăm khám cho thấy ông G. bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với nồng độ methanol trong máu cao gấp 20 lần ngưỡng gây ngộ độc. Các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục, chạy thận, điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ. Được biết, hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng do di chứng của ngộ độc methanol, 2 mắt của bệnh nhân không nhìn thấy được và tay chân yếu, tiên lượng có thể bị mù vĩnh viễn.
Nếu uống phải rượu methanol bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng, nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau đó 1 ngày. Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời nguy cơ tử vong rất cao, trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, truyền ethanol tinh khiết, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, lạm dụng rượu bia còn gây ra những hệ quả nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ từ bia rượu, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và khi uống rượu, bia nên uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.