Bệnh phổi kẽ - nguy hiểm nhưng ít được quan tâm

Nghĩa Toàn 28/12/2022 07:00

Là căn bệnh gây tổn thương phổi, xơ phổi, thậm chí có những bệnh tiến triển nhanh, tiên lượng xấu hơn cả ung thư nhưng bệnh phổi kẽ ít người quan tâm, dẫn đến tình trạng đa phần người vào viện khi đã ở giai đoạn muộn, đặc biệt hơn trong điều kiện thời tiết lạnh giá như hiện nay.

Ghi nhận tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi trung ương, thời tiết giá rét khiến số lượng bệnh nhân tăng lên rõ rệt. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, nằm kín hết số giường bệnh; nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy, hỗ trợ hô hấp. Các bác sĩ tại đây cho biết, hàng ngày điều trị cho từ 70-100 bệnh nhân. Trong số này, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết: “Bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý rất phức tạp, mặc dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Một số bệnh phổi kẽ, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh. Có những bệnh tiến triển nhanh, tiên lượng còn xấu hơn cả ung thư”.

Cũng theo ông Nhung, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân viêm phổi kẽ tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua. Việc chẩn đoán căn nguyên và phân loại bệnh phổi kẽ còn là thách thức lớn với các bác sĩ trên lâm sàng, trong khi đó các kỹ thuật chẩn đoán bệnh phổi kẽ như chẩn đoán hình ảnh, nội soi... ở nước ta chưa được thực hiện thường quy trong mạng lưới chuyên khoa lao và bệnh phổi.

“Thực tế, người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục trên phim chụp HRCT” - ông Nhung thông tin.

Trong bối cảnh điều trị các bệnh phổi kẽ còn khó khăn, việc phòng bệnh là rất quan trọng. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả như không hút thuốc lá; sử dụng quần áo và các phương tiện bảo hộ lao động trong các công việc phải tiếp xúc với các chất ô nhiễm, sợi amiăng, bụi kim loại, khói, hóa chất, bụi hữu cơ, chăn nuôi... Với những bệnh nhân đã trị liệu bức xạ, hóa trị liệu hoặc dùng các thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc tâm thần và một số thuốc kháng sinh cần chú ý khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh phổi kẽ và điều trị kịp thời.

Đồng thời, theo các chuyên gia y tế, những người đã và đang mắc một trong các bệnh lý viêm khớp dạng thấp, Lupus, xơ cứng bì, trào ngược dạ dày thực quản gây viêm phổi mạn tính và xơ hóa phổi, nhiễm virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, viêm tiểu phế quản, người trên 50 tuổi, người hút thuốc lá thuốc lào... sẽ dễ mắc các bệnh phổi kẽ. Bên cạnh đó còn có căn nguyên do các yếu tố nhiễm trùng, một số bệnh nghề nghiệp do hít phải khói bụi độc hại... Do vậy, người bệnh cần có chế độ bảo vệ cơ thể thật tốt nhất là người cao tuổi cần ăn uống đủ chất. Những ngày rét, người cao tuổi cần được giữ ấm, đặc biệt khi thức dậy về đêm, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh có thể gây bệnh về hô hấp, hoặc có thể gây những cơn đột quỵ tim, đột quỵ não. Người có bệnh nền hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, nếu nhất thiết phải ra ngoài cần mặc ấm, đeo khẩu trang để giữ ấm đường hô hấp để phòng bệnh.

Nghĩa Toàn