Giải mã thời tiết khắc nghiệt ở Bắc bán cầu

Hà Anh 28/12/2022 07:32

Mặc dù các cơn bão mùa đông không phải là điều bất thường, nhưng mức độ dữ dội và lượng tuyết khổng lồ do những trận bão mới nhất gây ra tại Mỹ, Canada và Nhật Bản đã khiến các nhà khí tượng học và quan chức địa phương lúng túng.

Đợt mưa tuyết gần đây nhất ở Mỹ đã khiến gần 50 người thiệt mạng. Ảnh: AFP.

Bất thường và nguy hiểm

Theo AFP, tuần này, các điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây bão tuyết tiếp tục hoành hành ở các vùng phía Đông Bắc nước Mỹ đã gây mất điện trên diện rộng, đình trệ du lịch và khiến ít nhất 47 người trên 9 tiểu bang thiệt mạng.

Một cách giải thích đơn giản nhất, không khí lạnh cực mạnh từ Bắc Cực di chuyển về phía Nam do sự suy yếu của các hoàn lưu khí quyển. Thông thường, thời tiết đóng băng ở Bắc Cực bị khóa bởi xoáy cực, một dải không khí lạnh lớn xoay quanh các vĩ độ cực Bắc - hơi giống như một con quay quay ngược chiều kim đồng hồ. Nó tạo thành ranh giới giữa không khí lạnh hơn ở Bắc Cực và không khí ấm hơn ở phía Nam.

Nhưng đôi khi dòng xoáy có thể bị gián đoạn. Nó đi kèm với những thay đổi đối với luồng phản lực – những cơn gió tốc độ cao chạy từ Tây sang Đông – phát triển thành một mô hình lượn sóng, giống như con rắn khi nó đi vòng quanh địa cầu. Đôi khi dòng xoáy tách thành nhiều mảnh di chuyển về phía Nam và nó có thể bị kéo căng ra giống như một sợi dây cao su.

Đây là những gì đã xảy ra trong tuần qua, khi không khí đóng băng di chuyển ra khỏi Bắc Cực qua Canada và vào Mỹ. Khối không khí lạnh lớn được kết hợp với một hệ thống áp suất thấp tăng cường nhanh chóng được gọi là “bom lốc xoáy” để kích hoạt những trân gió lớn và bão tuyết dữ dội trên Ngũ Đại Hồ và vào phía Đông Nam Canada.

Nhưng điều này cũng có thể xảy ra ở một số vùng của châu Á và châu Âu. Tại Nhật Bản, kể từ ngày 17/12 tới 26/12, đã có 17 người thiệt mạng và 38 người bị thương nặng trong đợt thời tiết lạnh giá, tuyết rơi dày kèm theo gió mạnh và biển động. Quốc gia này đã bị ảnh hưởng bởi những khối cực lạnh riêng biệt. Lần đầu tiên vào khoảng ngày 17 đến 20/12 và lần thứ hai vào khoảng từ ngày 22 đến 26/12. Cả hai đợt đều dẫn đến cảnh báo nguy hiểm về “tuyết rơi dày đặc” ở các quận thường có tuyết rơi như Niigata, Ishikawa và Fukushima.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho rằng, thời tiết xấu là do “mô hình áp suất khí quyển kiểu mùa đông mạnh và di chuyển chậm”, nhưng không đề cập đến việc liệu nó có bất thường hay không.

Liên quan đến biến đổi khí hậu?

Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận xung quanh các lý thuyết khác nhau liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhưng quan điểm đang nhận được sự ủng hộ là sự nóng lên nhanh chóng của Bắc Cực đang phá vỡ các kiểu thời tiết. Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn khoảng bốn lần so với hầu hết các nơi khác trên thế giới, nghĩa là chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và vùng nhiệt đới ít hơn trước.

Một số nhà khoa học cho biết, sự nóng lên nhanh chóng đang gây ra sự gián đoạn trong xoáy cực, thông qua những thay đổi trong dòng tia cực. Trong khi đó, một số ý kiến khác nói rằng, mô hình máy tính cho thấy các yếu tố biến đổi tự nhiên đang dẫn đến sự gián đoạn.

Các nhà khoa học cho biết, đã có nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và cường độ mưa và tuyết rơi. Đó là bởi vì bầu không khí ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn, mặc dù chúng ta đang chứng kiến cái lạnh dữ dội của những cơn bão mùa đông mới nhất, nhưng nhìn chung, dữ liệu chứng minh, nhiệt độ mùa đông đang trở nên ôn hòa hơn trên toàn cầu.

Nhiều người đặt câu hỏi: nếu địa cầu đang nóng lên, chẳng phải sẽ có ít tuyết hơn sao? Giải thích cho điều này, Tiến sĩ Judah Cohen - nhà khoa học khí hậu tại Viện Nghiên cứu Môi trường và khí quyển ở Lexington, Massachusetts – cho biết, điều kiện ấm hơn tạo ra các sóng khí quyển lớn hơn và nhiều năng lượng hơn khiến dòng phản lực trở nên gợn sóng với các đỉnh lớn hơn. Điều đó ảnh hưởng đến hoàn lưu xoáy cực.

Tiến sĩ Kevin Reed tại trường Khoa học Khí quyển và Hàng hải tại Đại học Stony Brook ở Long Island cho biết, đúng là trong một thế giới nóng lên, nhìn chung sẽ có ít tuyết rơi hơn và bao phủ ít diện tích hơn. Nhưng nhiệt độ cao cũng cho phép bầu khí quyển chứa nhiều nước hơn, tạo ra nhiều mưa và khiến nó có khả năng rơi xuống nhanh hơn.

“Điều đó có nghĩa là vẫn có những thời điểm và trường hợp lượng mưa tăng lên dưới dạng tuyết” – Tiến sĩ Kevin Reed nói.

Theo Tiến sĩ Kevin Reed, lũ quét thường có nhiều khả năng xảy ra hơn trong các trận mưa lớn do thời tiết ấm áp. Nhưng nhiệt độ đóng băng cũng mang lại nguy cơ lũ lụt riêng: Băng có thể chặn hệ thống thoát nước và nếu mưa hoặc nhiệt độ ấm hơn kéo theo tuyết, băng tan có thể gây ra lũ lụt.

Vụ nổ gần đây nhất ở Bắc Cực đã kết hợp với một cơn “lốc xoáy bom”, mang đến những cơn gió lạnh cực độ đã tràn vào các khu vực phía Nam nước Mỹ, nơi nhiệt độ đã giảm xuống mức một con số. Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ, quá trình tạo bom là một thuật ngữ được các nhà khí tượng học sử dụng để mô tả khi một cơn lốc xoáy ở vĩ độ trung bình tăng cường nhanh chóng, giảm ít nhất 24 milibar (đơn vị milibar đo áp suất khí quyển) trong 24 giờ.

Theo các nhà khoa học, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng, điều đó không có nghĩa là chấm dứt các cơn bão mùa đông hay nhiệt độ đóng băng. Chính xác thì biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến xoáy cực như thế nào vẫn là một chủ đề được nghiên cứu mạnh mẽ, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều vụ nổ ở Bắc cực ảnh hưởng đến Bắc Mỹ, châu Âu và một số khu vực của châu Á.

Hà Anh