Hiệu quả từ mô hình Chi hội Phụ nữ 'Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống'
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ "Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” mang lại hiệu quả tích cực. Với thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”... được tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt tại các tổ, Hội Phụ nữ đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS và miền núi.
Triển thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2020” Hội Phụ nữ các cấp tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình, tổ chức các hội thi, biểu diễn các tiểu phẩm về chủ đề phòng chống TH&HNCHT… nhằm thay đổi nhận thức về TH&HNCHT.
Đặc biệt với mô hình các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Không tảo hôn”, “Gia đình hạnh phúc”… đã ngăn ngừa hiệu quả tình trạng TH&HNCHT trong cộng đồng, từng bước giảm nguy cơ vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Điển hình như tại Bắc Trà My, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã thành lập mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn”. Mô hình này cũng đã được thành lập tại nhiều thôn làng. Theo bà Đinh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Trà My thì, CLB tập trung công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại các cuộc họp hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên, đoàn viên thanh niên ở địa phương. Từ đó, trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng sống trong giới trẻ để tránh xảy ra tình trạng tảo hôn.
Để tiếp tục giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trong đó, tập trung vào những đối tượng học sinh, vị thành niên dễ dẫn đến việc tảo hôn. Qua đó, góp phần triển khai hiệu quả các mục tiêu của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”.
Không chỉ tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng triển khai mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn”. Đơn cử, tại Nam Giang, đến nay cũng đã thành lập được 6 mô hình CLB “Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Còn Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang phối hợp với Hội LHPN xã Tr'Hy ra mắt mô hình "Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn" tại thôn Dâm II (xã Tr'Hy). Hội LHPN các xã như Tr'Hy, Dang (huyện Tây Giang) đã vận động 100% thành viên các gia đình ký cam kết thực hiện không để xảy ra tình trạng tảo hôn tại địa phương.
Sau khi thành lập, CLB đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dựng quy chế hoạt động cho CLB, tổ chức sinh hoạt CLB mỗi tháng 1 lần nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hôn nhân và gia đình, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, cùng nhiều hoạt động phong phú thiết thực khác.
Còn tại Lạc Dương, Lâm Đồng nơi có đông đồng bào dân tộc Cơ Ho sinh sống vẫn còn tồn tại tảo hôn do nhận thức của bà con còn hạn chế. Để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, năm 2017 Hội LHPN thị trấn Lạc Dương đã chọn tổ dân phố Bon Đưng 1 để triển khai xây dựng mô hình Chi hội Phụ nữ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Ban đầu mô hình có 86 thành viên, nhưng đến nay đã phát triển với 94 thành viên tham gia.
Ban chủ nhiệm mô hình đã xây dựng nội dung tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào kế hoạch định kỳ để chi bộ, tổ dân phố cùng thành viên trong Ban chủ nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng. Mô hình duy trì tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần hoặc 1 tháng/lần.
Các thành viên trong Ban chủ nhiệm cùng với Chi hội Phụ nữ đã hăng hái, tích cực tham gia vận động người dân trong thôn “nói không với tảo hôn”; tuyên truyền, phổ biến lồng ghép những nội dung chính về Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan... bằng ngôn ngữ Co Ho để chị em dễ hiểu, dễ nắm bắt.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lạc Dương chia sẻ: Thông qua mô hình, đã tuyên truyền, vận động người dân trong tổ nói không với tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Đến nay, trên địa bàn không còn trường hợp tảo hôn, nam nữ đến tuổi lập gia đình đều tự giác đến UBND thị trấn đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật.